Điều này xuất phát từ việc sửa đổi luật do Tổng thống Mauricio Macri, Chánh Văn phòng Nội các Marcos Pena và Bộ trưởng Tài chính Alfonso Prat-Gay ký hồi tháng trước.
Sửa luật vì...người nhà
Theo đó, cho phép miễn thuế đối với các công dân Argentina chuyển tài sản từ nước ngoài về nước, nhưng không công bố. Sắc lệnh sửa đổi cho phép bố mẹ, vợ chồng và con cái của quan chức trở thành đối tượng được miễn thuế, nếu phần tài sản liên quan được sở hữu trước khi người thân nắm chức vụ trong chính quyền.
Ngày 13-12, các công tố viên đã quyết định mở cuộc điều tra đối với Tổng thống Mauricio Macri, Chánh Văn phòng Nội các Marcos Pena và Bộ trưởng Tài chính Alfonso Prat-Gay bởi 3 người này đã ký sắc lệnh (ban hành tháng 11) sửa đổi một điều luật trước đó.
Vì theo phe đối lập, việc sửa đổi luật đã giúp doanh nhân gốc Italia Franco Macri, cha của Tổng thống Mauricio Macri, người được biết sở hữu nhiều tài sản ở nước ngoài.
Trước đó, nghị sỹ đảng đối lập Norman Martinez từng đề nghị Thẩm phán Federico Delgado điều tra Tổng thống để làm rõ liệu ông Mauricio Macri có trốn thuế và rửa tiền không. Và Thẩm phán Federico Delgado đã yêu cầu điều tra ông Mauricio Marci, người có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama”.
Theo đó, phải điều tra vai trò của Tổng thống Mauricio Marci tại Công ty Fleg Trading có trụ sở tại Bahamas và Công ty Kagemusha ở Panama bị tình nghi trốn thuế và rửa tiền. Theo giới truyền thông, ngoài yêu cầu làm rõ 2 công ty kể trên có tham gia trốn thuế và rửa tiền hay không, Thẩm phán Federico Delgado còn muốn tìm hiểu động cơ đằng sau việc Tổng thống Mauricio Macri không khai báo về 2 công ty này trong báo cáo thuế hàng năm.
Ông Federico Delgado cũng đề nghị Cơ quan Thuế quốc gia và Văn phòng chống tham nhũng cung cấp thêm thông tin để giúp làm sáng tỏ những nghi vấn kể trên. Bởi theo bản kê khai tài chính năm 2007, ông Mauricio Macri không đề cập tới Công ty Fleg Trading khi làm Thị trưởng Buenos Aires, cũng như trong báo cáo năm 2015, khi đã trở thành Tổng thống.
Chống xung đột lợi ích
Theo tờ La Nacion, Tổng thống Mauricio Macri bị liệt kê là Giám đốc Công ty Fleg Trading tại Bahamas giai đoạn 1998-2009. Nhưng khi phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mauricio Macri khẳng định, ông luôn tuân thủ luật pháp và không có gì phải che giấu về sự liên quan với Công ty Fleg Trading có trụ sở ở Bahamas (theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama").
Song lại nhấn mạnh, ông không có nghĩa vụ phải đề cập tới Công ty Fleg Trading bởi chưa bao giờ có cổ phần ở đó. Công ty Fleg Trading được cha Tổng thống Mauricio Macri thành lập để đầu tư tại Brazil, và đã đóng cửa từ lâu. Được biết, ngoài Thẩm phán Federico Delgado, Thẩm phán Sebastian Casanello cũng từng đề cập tới khả năng điều tra Tổng thống Mauricio Macri, người có tên trong danh sách "Hồ sơ Panama", bị nghi có liên quan đến trốn thuế và rửa tiền.
Và đã triệu tập nhà báo Hugo Alconada của tờ La Nacion, một trong những tờ báo lớn ở Argentina. Bởi nhà báo này tham gia vào mạng lưới điều tra của Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICIJ) tổ chức đăng “Hồ sơ Panama”. Ngoài ra, Thẩm phán Sebastian Casanello còn tham vấn luật sư Silvina Martinez, chuyên gia về vấn đề thành lập công ty tại nước ngoài, và công ty ma để trốn thuế và rửa tiền…
Trước yêu cầu của Thẩm phán Sebastian Casanello và Thẩm phán Federico Delgado, Văn phòng Phủ Tổng thống đã tuyên bố, Tổng thống Mauricio Macri chỉ là Chủ tịch trên danh nghĩa của 2 công ty kể trên.
Bởi cả 2 công ty này đều thuộc gia đình và Tổng thống Mauricio Marci là Chủ tịch trên danh nghĩa vì ông không góp cổ phần và không nhận lương. Hạ viện Argentina cũng đã bỏ phiếu phủ quyết một dự luật yêu cầu Tổng thống Mauricio Macri phải điều trần trước Quốc hội để làm rõ việc ông có liên quan đến Công ty Fleg Trading và Công ty Kagemusha.
Ông Mauricio Macri mới nhậm chức được hơn 1 năm (từ 10-12-2015) và từng tuyên bố, sẽ đưa toàn bộ tài sản của mình vào một quỹ tín thác độc lập trong thời gian làm tổng thống nhằm ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích và tạo sự minh bạch trong việc quản lý các lợi nhuận kinh doanh của bản thân và gia đình./.