Tổng thống Hugo Chavez qua đời, Venezuela trước "ngã ba đường"

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez vừa qua đời ở tuổi 58, sau 14 năm nắm quyền. Ông Chavez là một nhân vật gây tranh cãi không chỉ ở Venezuela mà còn cả trên trường quốc tế.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez vừa qua đời ở tuổi 58, sau 14 năm nắm quyền. Ông Chavez là một nhân vật gây tranh cãi không chỉ ở Venezuela mà còn cả trên trường quốc tế.

Ông Chavez đã bị ốm nặng sau khi được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư hơn 1 năm trước. Kể từ tháng 6/2011, ông đã trải qua một số cuộc phẫu thuật tại Cuba. Tuy nhiên, đến ngày 5/3, ông Chavez đã trút hơi thở cuối cùng.

Chính phủ Venezuela đã tuyên bố 7 ngày quốc tang và thi thể nhà lãnh đạo quá cố sẽ được bảo quản cho đến khi tổ chức tang lễ vào ngày 6/3 tới. Ông Hugo Chavez là một nhân vật gây tranh cãi không chỉ trong nước mà còn cả trên trường quốc tế. Là một người luôn giữ quan điểm chỉ trích Mỹ, ông Chavez cũng được xem là một nhân vật hồi sinh chủ nghĩa cánh tả ở khu vực Mỹ - Latinh.

Tổng thống Venezuela Chavez. Ảnh: BBC
Tổng thống Venezuela Chavez. Ảnh: BBC

Sau khi thông báo về cái chết của ông Chavez, bộ trưởng ngoại giao Jaua cho biết Phó tổng thống Nicolas Maduro sẽ nắm giữ cương vị tổng thống cho đến khi một cuộc bầu cử được tiến hành trong vòng 30 ngày tới.

“Đây là sự ủy nhiệm mà Tổng thống Hugo Chavez đã để lại cho chúng tôi”, ông Jaua nói trên truyền hình quốc gia và cho biết thêm rằng Phó tổng thống Maduro cũng sẽ trở thành ứng viên tổng thống của đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền. Hiện chưa rõ thời điểm chính xác sẽ diễn ra cuộc bầu cử.

Vì bệnh tật nên ông Chavez đã không thể tuyên thệ nhậm chức sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 hồi tháng 10 năm ngoái.

“Di sản cách mạng”

Xuất thân từ một lính nhảy dù, ông Hugo Chavez đã nổi lên trên chính trường Venezuela từ năm 1992, sau khi ông lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự nhưng không thành.

Sau 2 năm ngồi tù, ông trở lại hoạt động chính trị và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, không chỉ là từ tầng lớp dân nghèo nhất ở Venezuela mà cả lớp trung lưu vốn đã nhận thấy đời sống của họ đang ngày càng đi xuống bởi những chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ bấy giờ. Năm 1998, ông Chavez được bầu làm Tổng thống với số phiếu ủng hộ lên đến 56%.

Sau khi lên nắm quyền, ông Chavez chủ yếu điều hành nền kinh tế Venezuela theo các hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nỗ lực thu hút đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu vào Venezuela. Ông cũng bắt đầu cải cách xã hội, đầu tư vào cơ sở hạ tầng vốn đã đổ nát của Venezuela và thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí, trợ giá lương thực cho người nghèo.

Để giữ liên lạc trực tiếp với dân chúng, đều đặn mỗi tuần, ông Chavez đều xuất hiện trên đài phát thanh và truyền hình để giải thích các chính sách của mình, cũng như khuyến khích dân chúng gọi điện đến để trực tiếp chất vấn ông. Ông Chavez giành được đến 59% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào năm 2000.

Tuy nhiên, ông Chavez cũng đối mặt với sự chỉ trích từ cả bên trong lẫn bên ngoài nước. Quan hệ giữa Venezuela và Mỹ đã xuống thấp khi ông cáo buộc Mỹ “dùng khủng bố chống khủng bố” trong cuộc chiến tại Afghanistan sau sự kiện 11/9/2001. Phe đối lập xuất thân từ tầng lớp trung lưu thì cho rằng quyền lợi chính trị của họ bị xói mòn và cáo buộc ông Chavez muốn lèo lái Venezuela theo hướng một quốc gia độc đảng.

Đầu năm 2002, cả nước Venezuela sôi sục đình công và ông Chavez bị truất quyền vào ngày 12/4 sau khi có ý định kiểm soát ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Nhưng chỉ 2 ngày sau, những người ủng hộ ông – chủ yếu là người nghèo – đã xuống đường biểu tình và đưa ông trở lại dinh tổng thống.

Năm 2006, ông Chavez được bầu lại làm tổng thống với 63% phiếu ủng hộ và tuyên bố sẽ mở rộng các chính sách cách mạng của mình. Trong cuộc bầu cử năm 2012, dù vấp phải một số trở ngại nhưng ông Chavez đã một lần nữa được bầu vào cương vị người đứng đầu Venezuela.

Sự ra đi của ông Hugo Chavez được nhận định sẽ có tác động lớn tới không chỉ người dân Venezuela mà còn ở khắp khu vực Mỹ - Latinh và nhiều nơi khác. Câu hỏi đang được đặt ra đối với Venezuela hiện nay là liệu người kế nhiệm ông Chavez sẽ kế thừa và phát huy di sản cách mạng của ông hay sẽ phá bỏ phần lớn chúng?.

Minh Ngọc (theo BBC)

Đọc thêm