Sau cuộc họp G7 hôm 24/8, Tổng thống Biden khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của họ sẽ “sát cánh” trong các hành động trong tương lai đối với Afghanistan và Taliban. Trong một phần thể hiện sự thống nhất, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý về các điều kiện để công nhận và đối phó với một chính phủ Afghanistan do Taliban lãnh đạo trong tương lai.
Riêng về vấn đề thời hạn để sơ tán công dân và người Afghanistan, vì Tổng thống Joe Biden từ chối gia hạn việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan quá thời hạn cuối cùng mà ông đã tuyên bố là vào thứ Ba tuần tới, các đồng minh của Washington thừa nhận rằng sẽ không thể hoàn thành việc sơ tán, nhưng cam kết tiếp tục cố gắng đưa người dân ra khỏi Afghanistan và giúp đỡ những người Afghanistan.
Trong 10 ngày qua, hàng nghìn công dân nước ngoài và người Afghanistan có quan hệ với các tổ chức phương Tây đã được đưa ra khỏi đất nước, nhưng vẫn còn hàng nghìn người khác đang chờ được sơ tán khỏi Afghanistan.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến giây phút cuối cùng mà chúng tôi có thể", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói, sau cuộc họp trực tuyến của nhóm G7 ngày 24/8. Thủ tướng Anh đã công khai vận động hành lang để duy trì sự hiện diện của lực lượng liên quân phục vụ sơ tán tại Afghanistan sau thời hạn 31/8.
|
Còn rất nhiều nhân sự và khí tài của lực lượng liên quan cần được sơ tán khỏi Afghanistan. |
Vương quốc Anh đang có khoảng 1.000 quân tại sân bay Kabul, hỗ trợ gần 6.000 quân Mỹ. Các quốc gia khác bao gồm Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt với số lượng ít hơn.
Một quan chức cấp cao của Pháp cho biết Tổng thống Macron đã thúc đẩy thời hạn của Hoa Kỳ được gia hạn, nhưng sẽ "thích nghi" với quyết định của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Đức thẳng thắn nói về sự bất lực của châu Âu khi đối mặt với việc Mỹ rút quân. "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là lãnh đạo. Nếu không có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, chúng tôi không thể tiếp tục sứ mệnh sơ tán".
Với việc Tổng thống Mỹ không thay đổi thời hạn rút quân, các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ tiếp tục cố gắng giúp đỡ người dân Afghanistan - mặc dù không có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào sau 31/8 và chuẩn bị cơ sở cho một dòng người tị nạn cuối cùng đang hướng về phía Tây.
"Nhiệm vụ đạo đức của chúng tôi là giúp đỡ người dân Afghanistan và hỗ trợ nhiều nhất trong điều kiện cho phép", Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen nói trên Twitter.
Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đại diện cho các nhà lãnh đạo quốc gia, đã tweet để nói rằng việc sơ tán nhân viên nước ngoài và địa phương vẫn là một "ưu tiên trước mắt". Ông kêu gọi "sự tham gia rộng rãi hơn của G7 và hành động quốc tế để hỗ trợ người dân Afghanistan". Ông cũng tập trung vào vấn đề an ninh, với lý do cần phải ngăn chặn "sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố".
"Hợp tác với các nước trong khu vực sẽ là chìa khóa trong việc hỗ trợ sự an toàn và điều kiện sống thích hợp của những người Afghanistan muốn ra khỏi đất nước của họ", ông viết trên Twitter. "Chúng tôi quyết tâm giữ cho các dòng người di cư được kiểm soát và các biên giới của EU được bảo vệ."