Ông Putin và bà Kneissl đều là chức sắc chính trị. Lễ thành hôn của bà Kneissl và sự tham dự của ông Putin đều là chuyện cá nhân trên danh nghĩa. Nhưng có hai điều ở chuyện này đã khiến nó trở thành chuyện chính trị nội bộ ở Áo và đối với EU. Cũng vì thế mà mới có chuyện lệ hỗn chiến với nhau.
Thứ nhất là thời điểm và bối cảnh tình hình hiện tại trong quan hệ giữa EU và Nga. Quan hệ giữa Nga và EU không được tốt đẹp từ khá nhiều năm nay vì nhiều lý do và vì vướng víu vào nhiều trắc trở. EU găng với Nga và áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính.
Áo thuộc về diện một số thành viên EU không hoàn toàn găng với Nga, duy trì mức độ quan hệ riêng với Nga chứ không như EU và không như Đức. Ở Áo, bà Kneissl tuy không thuộc đảng phái chính trị nào nhưng được Đảng Tự do Áo đề cử làm bộ trưởng ngoại giao. Đảng này là một đảng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, bài xích và thù ghét người nước ngoài.
Thứ hai, bà Kneissl đã làm động tác nhún mình quỳ xuống khi được ông Putin mời nhảy trong lễ cưới.
Ở đây không có bất cứ vai trò gì của luật. Cả luật của EU lẫn luật của Áo đều không cấm bà Kneissl mời ông Putin tham dự lễ cưới của mình vì EU mà Áo là thành viên hiện quan hệ không tốt đẹp với Nga. Ở đây chỉ có chuyện lệ. Cái lệ trước hết là ông Putin được bà Kneissl mời tham dự lễ cưới thì không thể không nhận lời. Vì phép lịch sự đòi hỏi như thế. Vì chính trị ngoại giao đòi hỏi như thế. Cái lệ ở đây là chuyện riêng chung không thể tách bạch với nhau rõ ràng trong chính trị ngoại giao.
Giữa chuyện riêng và việc công, giữa hoạt động ngoại giao chính thức và không chính thức được tách bạch hay không tách bạch tuỳ thuộc vào mục đích của các bên liên quan và nghệ thuật quyền biến của họ. Cái lệ ở đây là khi được người đàn ông mời nhảy thì người phụ nữ nhún mình quỳ xuống. Phong tục tập quán như thế và hành động như thế vốn rất bình thường.
Nhưng vì việc này liên quan đến ông Putin và sau ông Putin là nước Nga nên mới thành chuyện lớn. Bà Kneissl khi ấy không được nhìn nhận là cô dâu và người phụ nữ nữa, ông Putin khi ấy không còn được coi là khách mời dự cưới với tư cách cá nhân nữa mà là đại diện của chính phủ Áo cúi người quỳ xuống trước tổng thống nước Nga. Đấy là cái lệ về nhận thức trong thế giới chính trị và ngoại giao. Lệ này phản bác và phủ quyết lệ kia.
Tùy theo góc độ nhìn nhận của từng bên mà sẽ có đánh giá lệ nào đúng sai trong cuộc hỗn chiến giữa lệ với nhau này. Ở Áo ngay lập tức dậy lên những tiếng nói yêu cầu bà Kneissl từ chức, coi việc hạ mình trước ông Putin là một nỗi nhục nhã đối với nước Áo. Nếu như mối quan hệ của EU và của Áo với Nga không làm phân hoá nội bộ EU và Áo thì chắc chắn sẽ chẳng có mấy ai ở Áo và trong EU để ý đến chuyện xảy ra khi ông Putin mời bà Kneissl ra nhảy. Mọi người thậm chí sẽ còn tán thưởng nồng nhiệt.
Cho nên có thể thấy rằng lệ tồn tại độc lập thì vẫn chỉ là lệ thôi. Nhưng một khi nó bị chính trị hoá hoặc được áp dụng trong bối cảnh tình hình chính trị đặc biệt thì tác dụng của nó lại có thể rất khác. Chì một mình lệ thôi thì chẳng gây khúc mắc gì. Nhưng nếu đồng thời có vài lệ phát tác thì chuyện lệ đấu lệ xem ra khó bề tránh khỏi. Lệ được chính trị tận dụng và lợi dụng, đồng thời lệ cũng phục vụ chính trị.
Trong cuộc họp báo, ông Putin một lần nữa gửi lời chúc mừng tới cặp đôi vừa mới kết hôn, đồng thời cảm ơn họ vì đã đón tiếp ông: “Tôi muốn một lần nữa cảm ơn những người bạn Áo vì đã mời tôi. Tôi muốn nói rằng họ (Ngoại trưởng Karin Kneissl và phu quân Wolfgang Meilinger) đều là những người có vị thế và nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội cũng như của đất nước, tuy nhiên họ cũng là những người rất cởi mở và vui vẻ. Từ tận đáy lòng mình, tôi muốn chúc mừng họ thêm một lần nữa vì đám cưới mà tôi có cơ hội được tham gia”.
Về phía Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, khẳng định Áo vẫn có quan hệ chặt chẽ với EU và chia sẻ quan điểm hợp tác với Nga: “Lập trường của chúng tôi tại châu Âu không thay đổi chỉ vì một đám cưới. Chính sách đối ngoại của chúng tôi đối với Nga luôn rõ ràng. Chúng tôi vẫn góp phần định hình và duy trì cam kết đối với mọi quyết định của EU”.