Theo Reuters, hôm tuần trước, ông Trump và ông Kim đã gặp nhau lần thứ 2 tại Hà Nội để thương thảo về một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Vào đúng ngày quan trọng của hội nghị, tại Washington, cựu luật sư của ông Trump là ông Cohen đã ra điều trần trước Ủy ban giám sát của Hạ viện Mỹ. Trong phiên điều trần, vị luật sư cáo buộc ông Trump đã ra lệnh cho ông đe dọa người khác 500 lần trong vòng 10 năm qua. Tại cuộc họp báo sau khi đột ngột quyết định kết thúc hội nghị thượng đỉnh với ông Kim sớm hơn so với kế hoạch, ông Trump tuyên bố các cáo buộc của ông Cohen là “không chính xác”. Tổng thống Mỹ nói rằng Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon – điều mà Mỹ không thể làm được, nên ông đã quyết định “bỏ đi”.
Trong phát biểu vừa qua, ông Trump cho rằng những người thuộc đảng Dân chủ tiến hành phiên điều trần vào đúng lúc diễn ra một Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân với Triều Tiên có lẽ là một mức thấp mới trong nền chính trị Mỹ và điều này có thể đã góp phần dẫn tới quyết định “bỏ đi” của ông. Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích quyết định của đảng Dân chủ khi tiến hành phiên điều trần khi ông đi vắng. “Tôi đã cố gắng theo dõi nhiều nhất có thể. Tôi không thể xem quá nhiều vì tôi hơi bận rộn nhưng tôi nghĩ rằng việc tiến hành một phiên điều trần như thế, vào giữa lúc Hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng này thực sự là một điều khủng khiếp”, ông Trump tuyên bố.
Trước đó, tại một cuộc trao đổi, TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao – cũng tiết lộ rằng đại diện của Mỹ và Triều Tiên trước thềm hội nghị đã đàm phán và dự thảo được 2 văn kiện và 4 điểm then chốt. Hai văn kiện bao gồm tuyên bố chung và tuyên bố về chấm dứt chiến tranh. Còn 4 nội dung then chốt bao gồm: một là kết thúc chiến tranh; hai là Triều Tiên chấp nhận cho Mỹ vào thanh sát và phá huỷ có kiểm chứng cơ sở ở Yongbyon nhưng không nói rõ những nội dung gì trong Yongbyon mà để ngỏ cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều quyết định; ba là Triều Tiên đã chấp nhận thanh sát hạn chế và bốn là Triều Tiên và Mỹ cho phép lập văn phòng liên lạc ở các nước.
Theo TS. Trần Việt Thái, điểm mấu chốt dẫn đến việc 2 bên không ký được tuyên bố chung là do bất đồng về gói cấm vận và vấn đề hạt nhân hoá. Một phần khác là do Mỹ và Triều Tiên khi đàm phán cấp làm việc đã để ngỏ các vấn đề cho cấp cao quyết định mà vào đúng ngày diễn ra Hội nghị, ông Cohen ra điều trần tại Hạ viện. Theo nhận định của Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao, phiên điều trần với những thông tin bất lợi với ông Trump này có thể đã tác động đến quyết định cuối cùng của ông Trump. “Rất tiếc là “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”, TS. Trần Việt Thái nhận định.
Ngày 5/3, phái đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc đã lên đường đến Mỹ để thảo luận về các cách thức duy trì nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam. Ngày 4/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố Hội nghị dù kết thúc không như kỳ vọng nhưng 2 bên đã đạt được một số tiến triển. Ông Pompeo cũng hy vọng Mỹ sẽ có phái đoàn đàm phán tới Bình Nhưỡng trong những tuần tới.