Tổng thống Trump ký sắc lệnh lật ngược chính sách khí hậu dưới thời Obama

(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh lật ngược lại những chính sách thời cựu Tổng thống Obama về vấn đề kiềm chế biến đổi khí hậu, đồng thời lên tiếng hứa hẹn hỗ trợ ngành than, mở ra kỷ nguyên mới về công ăn việc làm cho người dân. 
Tổng thống Trump ký Sắc lệnh “Độc lập Năng lượng”
Tổng thống Trump ký Sắc lệnh “Độc lập Năng lượng”

Theo Reuters, khi xung quanh là thợ mỏ và các lãnh đạo điều hành công ty than, Tổng thống Trump đã tuyên bố  ký Sắc lệnh “Độc lập Năng lượng” tại trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Và mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là nhằm đạt được sự độc lập về năng lượng và đưa các thợ mỏ quay lại làm việc ở các mỏ than. 

Hủy bỏ chính sách của Obama

Được biết, chính sách cắt giảm phát thải khí CO2 mà chính quyền Obama đưa ra là một phần cam kết của Mỹ với cộng đồng quốc tế. Cựu Tổng thống Obama và lãnh đạo gần 200 nước đã ký Thỏa thuận Paris tại Pháp hồi năm 2015 nhằm hạn chế sự ấm lên của trái đất. Trong khi vào thời gian tranh cử, ông Trump lại từng khẳng định sẽ rút khỏi thỏa thuận này, cho rằng nó gây hại cho các công ty Mỹ.

Sắc lệnh của ông Trump là chỉ đạo EPA bắt đầu quá trình rút bỏ Kế hoạch Năng lượng Sạch được chính quyền Obama đưa ra vào năm 2014 - chính sách này yêu cầu các bang trong nước Mỹ phải giảm tải lượng carbon thải ra, để đạt tiêu chuẩn Mỹ đã cam kết trong Thỏa ước Paris. 

Trước đó, chính sách này không nhận được sự ủng hộ của các bang theo Đảng Cộng Hòa, nơi mà chính sách này đã gặp những thách thức pháp lý, nhất là từ các doanh nghiệp dựa hoàn toàn vào dầu, than và khí đốt. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã tạm dừng chính sách này, khi những thách thức này được tiếp nhận.

Ngoài ra, quy định này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nông dân, các nhà phát triển bất động sản, các nhà sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu, các nhà sản xuất xăng dầu, các chủ sở hữu sân golf và các doanh nghiệp khác vì họ cho rằng quy định này ngăn cản tăng trưởng kinh tế và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của họ.

Sở Nông nghiệp Liên bang Hoa Kỳ đã dẫn vụ tranh chấp pháp lý chống lại chính sách của ông Obama, cho rằng chính sách đó áp đặt một gánh nặng cho những người nông dân, những người sẽ phải đăng ký, xin giấy phép từ Liên bang cho việc sử dụng phân bón trên diện tích đất gần kênh rạch, sông, suối của họ. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã giành được sự ủng hộ của những người dân vùng nông thôn khi ông hứa sẽ thay đổi chính sách này.

Thêm nữa, ngoài ký Sắc lệnh “Độc lập Năng lượng”, ông Trump lại ra lệnh cho Cục Quản lý Đất đai cấm cho thuê các mỏ than trên vùng đất Liên bang, hủy bỏ các quy tắc hạn chế phát thải khí methane từ sản xuất dầu, khí đốt, cũng như giảm gánh nặng về biến đổi khí hậu, phát thải lượng khí carbon đã cam kết trong chính sách biến đổi khí hậu. Trong khi đó, khí methane (CH4) và CO2 là hai khí nhà kính chính được các nhà khoa học xác định làm trái đất nóng lên.

Sắc lệnh này có thể nói là táo bạo nhất của ông Trump trong nỗ lực cắt giảm các quy định về môi trường nhằm khôi phục ngành khoan và khai thác mỏ, một lời hứa mà ông lặp đi lặp lại trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016. 

Chính phủ Trump nói việc hủy bỏ chính sách này sẽ giúp người dân có việc làm và giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ lên xăng dầu nhập khẩu. “Chính quyền của tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến than đá”, ông Trump khẳng định, “đây những bước đi lịch sử nhằm dỡ bỏ những rào cản hạn chế ngành công nghiệp năng lượng Mỹ, hủy bỏ sự can thiệp của chính phủ và tháo gỡ các quy định nhằm cướp đi việc làm của người dân”.

Sắc lệnh ảnh hưởng như thế nào?

Được biết, phe ủng hộ là các nhóm doanh nghiệp, thợ mở và công ty mỏ hết lòng khen ngợi động thái này của chính phủ Trump. 

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), ông Trump không chỉ ký Sắc lệnh “Độc lập Năng lượng”, mà ông cũng vừa bổ nhiệm Scott Pruitt, một người hoài nghi vấn đề biển đổi khí hậu, làm lãnh đạo của EPA. Ông Scott Pruitt cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên ABC News vào ngày 26/3 rằng, sắc lệnh gỡ bỏ quy định này sẽ giúp Hoa Kỳ cả về khía cạnh ủng hộ việc làm và ủng hộ môi trường. 

Chủ tịch Hiệp hội Than bang Kentucky, Tyler White, vui mừng trước sắc lệnh hành pháp mới của ông Trump. Người này phát biểu với Reuters: “Tôi không thể nói cho mọi người biết sắc lệnh giúp tạo ra bao nhiêu việc làm. Nhưng tôi có thể nói với mọi người rằng nó chứng minh cam kết của chính quyền đối với ngành công nghiệp than và mang lại sự tự tin cho chúng tôi”. 

Tuy nhiên, ngay sau đó sắc lệnh của ông cũng nhanh chóng gặp phải sự phản đối từ 23 bang và chính quyền địa phương, cũng như các nhóm môi trường. Bên ngoài Nhà Trắng, vài trăm người biểu tình phản đối lệnh này. Họ gọi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và thề sẽ chiến đấu chống lại tòa án. 

Mục tiêu chính của sắc lệnh là Kế hoạch Năng lượng Sạch của ông Obama, trong đó yêu cầu các bang cắt giảm phát thải khí carbon từ các nhà máy điện. Đây là yếu tố then chốt trong khả năng đáp ứng cam kết của Mỹ đối với một hiệp định về biến đổi khí hậu gần 200 nước đạt được tại thủ đô Paris, Pháp năm 2015.

Các nhà phân tích và chuyên gia năng lượng đã đặt câu hỏi liệu những động thái này có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp của họ, còn các nhà môi trường thì gọi đây là hành động thiếu thận trọng. Các tổ chức môi trường cảnh báo sắc lệnh của nhà lãnh đạo Mỹ “nguy hiểm, đi ngược lại xu thế toàn cầu vốn đang hướng tới công nghệ năng lượng sạch”.

“Chúng tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ người dân Mỹ - bao gồm cả việc phản đối mạnh mẽ các hành động không quan tâm đến cả luật pháp và tầm quan trọng về mối đe dọa thực sự của thay đổi khí hậu của Tổng thống Trump”, đại diện cho liên minh các bang, ông  Eric Schneiderma- Giám đốc Sở Tư pháp thành phố New York. Liên minh này bao gồm các tiểu bang như California, Massachusetts và Virginia, cũng như các thành phố bao gồm Chicago, Philadelphia và Boulder, Colorado.

Bà Christiana Figueres, một nhà ngoại giao Costa Rica, cựu Giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, cũng than thở về sắc lệnh của ông Trump. “Cố gắng để các nhiên liệu hóa thạch cạnh tranh với sự bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo ra không khí trong lành và công việc dồi dào, nó có nghĩa là đang chống lại dòng chảy kinh tế”, bà nói. 

Theo ông Todd Stern, đặc phái viên của Mỹ về khí hậu giai đoạn 2009 – 2016, dưới chính quyền Obama, việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris “rõ ràng sẽ làm ô uế hình ảnh của Mỹ”. Ngoài ra, trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, ông nói thêm: “Sẽ thấy vô cùng tiêu cực trên thế giới và sẽ có nhiều thiệt hại chồng chất vượt quá khí hậu”.

Phần lớn các nhà khoa học tin rằng, việc sử dụng dầu và than đá của con người là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu, gia tăng về mực nước biển, hạn hán và nhiều cơn bão dữ dội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump và một số thành viên của chính quyền ông lại nghi ngờ về nguyên do gây nên biến đổi khí hậu. Ông từng hứa trong chiến dịch của mình rằng sẽ kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, đồng thời lập luận rằng nó sẽ làm tổn thường nền kinh tế Mỹ. 

Ông Trump từng nói rằng biến đổi khí hậu “do người Trung Quốc gây ra và chỉ người Trung Quốc bị ảnh hưởng”. Nhưng cuối năm ngoái, ông đã thừa nhận rằng “có vài mối liên quan” giữa hành vi con người và biến đổi khí hậu.

Dù Mỹ có quyết định như thế nào, EU, Ấn Độ và Trung Quốc nói sẽ vẫn cam kết với Thỏa ước Paris.