Tổng thống Trump và cuộc tấn công đồi Capitol

(PLVN) - Ngày 6 tháng 1 năm 2021 là một ngày đen tối trong lịch sử của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Giữa phiên họp của lưỡng viện Quốc hội nhằm chính thức xác nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, đám đông người biểu tình, vốn được cho là bị kích động bởi tổng thống Donald Trump, đã xông vào tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ đặt tại đồi Capitol, thủ đô Washington DC. 
Người biểu tình tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ.

Hậu quả trực tiếp của vụ bạo động trên là phiên họp của của Quốc hội Mỹ đã bị gián đoạn, tòa nhà Quốc hội bị đập phá và các nghị sĩ buộc phải di tản khẩn cấp. Ở chiều ngược lại, ít nhất năm người biểu tình đã thiệt mạng và nhiều người khác bị bắt giữ hoặc truy nã. 

Mâu thuẫn âm ỉ

Cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1 vừa qua là kết quả của một mâu thuẫn âm ỉ trong suốt thời gian qua. Ở một khía cạnh nào đó, dư luận có thể hiểu rằng người khơi mào, nuôi dưỡng và kích động cho mâu thuẫn đó bộc phát chính là đương kim tổng thống Donald Trump. 

Từ sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020 được công bố với phần thắng thuộc về cựu phó tổng thống Joe Biden, ông Trump và những đồng minh của mình đã liên tục có những phát ngôn nhằm tố cáo kết quả của cuộc bầu cử trên là gian lận. Trên các trang truyền thông của mình, đặc biệt là Twitter, tổng thống Trump đã đưa ra những cáo buộc về phiếu bầu giả và gian lận máy kiểm phiếu nhằm kêu gọi hủy bỏ kết quả để kiểm phiếu lại hoặc tổ chức một cuộc bầu cử mới. Hàng loạt đơn kiện cũng đã được gửi đến tòa án các cấp như một động thái cứu vãn tình thế của tổng thống Trump.

Những luật sư thân cận của ông chủ Nhà Trắng được dẫn đầu bởi cựu thị trưởng Rudy Giuliani cũng liên tục đăng đàn tuyên bố rằng họ có những chứng cứ rõ ràng để chứng minh rằng ông Trump đã bị cướp mất chiến thắng bởi gian lận. Vậy nhưng, cho đến ngày hôm nay, những chứng cứ đó vẫn chỉ có thể được tìm thấy trong tuyên bố của ông Trump và cộng sự chứ chưa một lần được công khai đến dư luận. Chính vì vậy, tất cả những đơn kiện của phe ông Trump đã bị tòa án các cấp bác bỏ. Tòa án tối cao Hoa Kỳ cũng đã từ chối xem xét những đơn kiện trên vì thiếu chứng cứ và cơ sở pháp lý. 

Những thất bại pháp lý đã không làm ông Trump nản lòng. Ngược lại, ông và những đồng minh của mình đã liên tục lên mạng xã hội nhằm kêu gọi người ủng hộ mình tổ chức những buổi biểu tình lớn ở thủ đô Washington D.C. Trong một dòng tweet được viết vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ của mình tổ chức một buổi biểu tình lớn vào ngày 6 tháng 1 để gây sức ép nhằm ngăn Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử. Trong cuộc vận động cho hai ứng cử viên thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa vào hôm 5 tháng 1, đương kim tổng thống Mỹ cũng đã kêu gọi người ủng hộ chiến đấu đến cùng nhằm không cho ông Biden “chiếm được” Nhà Trắng.

Và vào ngày 6 tháng 1, trong một bài phát biểu trước đám đông người ủng hộ đang sục sôi khí thế, ông Trump đã kêu gọi họ cùng nhau tuần hành về đồi Capitol khi Quốc hội Mỹ đang diễn ra phiên họp nhằm xác nhận chiến thắng của ông Biden. Không chỉ kêu gọi họ tuần hành đến tòa nhà Quốc hội, tổng thống Trump còn hứa sẽ đi cùng với những người ủng hộ. Điều này càng tiếp thêm sức mạnh tinh thần và một phần nào đó là cả sự kích động cho đám đông người biểu tình. Như chúng ta đã biết, cuộc tuần hành theo lời hiệu triệu của tổng thống Trump đã không diễn ra như mong đợi. Và điều đặc biệt ở đây là thay vì giữ đúng lời hứa và đi theo đoàn người ủng hộ mình, tổng thống đã quay trở về Nhà Trắng và theo dõi mọi chuyện qua truyền hình cáp. 

Hệ quả của cuộc bạo loạn với Tổng thống Trump

Vào thời điểm hoàng hôn của nhiệm kì, tổng thống Trump vẫn đang phải chịu một sức ép rất lớn đến từ phía dư luận, đảng Dân Chủ và cả những đồng minh trung thành do những liên quan của mình đến cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1.

Đầu tiên, ông Trump đang vấp phải sự phản đối từ chính nội bộ đảng Cộng Hòa. Một số số nghị sĩ Cộng Hòa, trong đó có thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (bang Alaska) và Ben Sasse (bang Nebraska) hay hạ nghị sĩ Adam Kinzinger (bang Illinois), đã công khai yêu cầu đương kim tổng thống phải từ chức hoặc họ sẽ cân nhắc việc phế truất ông. Một số thành viên có tiếng nói của đảng cũng đã lên tiếng chỉ trích ông Trump.

Trong một video đăng tải lên Twitter, cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger đã ví ông Trump như vị tổng thống tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ. Tồi tệ hơn, ông Trump đã bị chính những đồng minh thân cận trong nội các của mình quay lưng. Elaine Chao, Bộ trưởng Giao thông và vợ của chủ tịch Thượng viện Mitch McConnel, Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos, phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger, quyền chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Tyler Goodspeed và chánh văn phòng đệ nhất phu nhân Stephanie Grisham là những cái tên nổi bật đã rời khỏi nội các của ông Trump sau cuộc bạo loạn tại đồi Capitol.

Tiếp đó, ông Trump đang đứng trước nguy cơ bị phế truất dù nhiệm kì của ông chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nhiều nghị sĩ đảng Dân Chủ đã kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm tước quyền của Tổng thống Trump.

Theo điều 4 của Tu chính án này, nếu phó tổng thống và đa số thành viên nội các cho rằng tổng thống không còn đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ của mình, họ có thể viết một lá thư gửi đến chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Ngay sau đó, phó tổng thống sẽ trở thành quyền tổng thống. Tổng thống vừa bị bãi nhiệm có thể phản hồi cáo buộc từ phó tổng thống bằng cách gửi văn bản đến Quốc hội. Khi đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để quyết định và nếu trên hai phần ba số nghị sĩ ở cả hai viện đồng ý, tổng thống sẽ chính thức bị bãi nhiệm.

Ngay cả khi phó tổng thống Mike Pence từ chối kích hoạt Tu chính án 25, một số hạ nghị sĩ đảng Dân Chủ đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ nhằm luận tôi ông Trump trước Quốc hội. Tổng thống Trump đã từng phải trải qua một phiên luận tội vào cuối năm 2019. Lần đó, các nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng lòng tạo thành một tấm khiên bảo vệ tổng thống và giúp ông dễ dàng qua được màn bỏ phiếu luận tội trước Quốc hội. Tuy vậy, với sự quay lưng từ một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa, nếu được diễn ra, lần bỏ phiếu luận tội tới đây được dự kiến sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho tổng thống Trump. 

Cuối cùng, sau những phát ngôn có phần kích động của mình, nhiều mạng xã hội lớn đã khóa tài khoản của ông Trump. Trong một thông báo vào ngày 8 tháng 1, tỉ phú Mark Zuckerberg đã tuyên bố sẽ khóa tài khoản Facebook and Instagram của tổng thống Trump ít nhất là cho đến hết nhiệm kì của ông nhằm đảm bảo rằng quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden sẽ diễn ra trong hòa bình. Tồi tệ hơn, mạng xã hội Twitter đã khóa vĩnh viễn tài khoản @realDonaldTrump với gần 90 triệu người theo dõi của ông chủ Nhà Trắng sau khi cáo buộc ông sử dụng nền tảng này để kích động bạo lực. Việc mất đi nhiều kênh truyền thông quan trọng cùng một lúc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những kế hoạch của ông Trump trong tương lai, bao gồm cả ý định tái tranh cử vào năm 2024. 

Lời kết

Quay trở lại đồi Capitol, sau khi bị gián đoạn bởi cuộc bạo loạn, phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đã không bị hủy bỏ mà vẫn được tiếp tục. Đến rạng sáng ngày 7 tháng 1, Phó Tổng thống Mike Pence đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden  và qua đó chấm dứt hy vọng cuối cùng của phe ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Nói một cách công bằng, ông Trump đã làm được nhiều điều tích cực cho nước Mỹ và cả thế giới trong bốn năm vừa qua. Tuy vậy, những liên hệ của ông với vụ bạo loạn lịch sử tại đồi Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 chắc chắn sẽ để lại một vết đen khó gột rửa trong nhiệm kì của vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Đọc thêm