Theo CNN, Ukraine cuối tuần qua đã trở thành trung tâm của một bê bối chính trị lớn của Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vướng phải những cáo buộc cho rằng trong cuộc điện đàm hôm 25/7, ông đã gây sức ép để buộc ông Zelensky mở một cuộc điều tra nhằm vào ông Hunter Biden - con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Joe Biden hiện được xem là ứng viên hàng đầu trong số các đối thủ có thể cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Còn ông Hunter từng làm việc cho một công ty dầu khí Ukraine khi cha ông làm Phó Tổng thống Mỹ.
Cuộc gọi giữa ông Trump và ông Zelensky là tâm điểm của cuộc chiến đang leo thang liên quan đến tố giác đã được đệ trình lên Tổng thanh tra cơ quan tình báo Mỹ. Tranh cãi này đã đưa đến những kêu gọi Quốc hội Mỹ khởi động tiến trình luận tội chống lại Tổng thống Trump. Giữa những tranh cãi, ông Trump ngày 22/9 xác nhận đã đề cập với ông Zelensky về cáo buộc tham nhũng liên quan đến ông Biden và con trai ông này.
Theo truyền thông Mỹ, ông Trump trong cuộc điện đàm bị cáo buộc đã khoảng 8 lần thúc giục ông Zelensky mở cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến ông Hunter Biden. Ông Joe Biden trong khi đó đã bác bỏ những cáo buộc của ông Trump rằng ông và con trai đã có những hành động không phù hợp trong các thỏa thuận với chính phủ Ukraine thời ông Joe Biden đang tại nhiệm. Trên thực tế, cho đến nay, không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh ông Joe hay ông Hunter Biden đã có hành vi sai phạm được công bố.
Những tiết lộ nói trên được đưa ra chỉ ít ngày trước khi ông Zelensky chính thức “ra mắt” chính trường thế giới. Trong ngày 23/9, ông lên đường tới Mỹ để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Dịp này, ông cũng dự kiến sẽ có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Trump bên lề phiên họp.
Với Ukraine, vụ việc lùm xùm hiện nay ở Mỹ có ý nghĩa quan trọng bởi Ukraine hiện vẫn phụ thuộc vào sự ủng hộ quốc tế để thúc đẩy kinh tế sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và cuộc xung đột ở miền đông nước này hiện vẫn đang căng thẳng. Khoản vay 3,9 tỷ USD của nước này sẽ hết hạn vào năm tới và một nhóm công tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đang có mặt tại Ukraine để thảo luận về chương trình cho vay mới nhằm giúp đất nước này phát triển.
Tại New York, ông Zelensky sẽ phải thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng ông rất nghiêm túc trong việc thực hiện cam kết đối phó với nạn tham nhũng và quản trị kém thời gian qua. Ông cũng cần kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khác ủng hộ trong việc giải quyết cuộc xung đột trong nước và trong quan hệ với Nga.
Ông Zelensky đã đạt được một số thành công bước đầu trong việc xử lý mối quan hệ với Nga. Nga và Ukraine gần đây đã trao đổi tổng cộng 70 tù nhân, một động thái có thể giúp giảm căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên, Ukraine vẫn rất cần hỗ trợ quân sự trong khi viện trợ quân sự của Mỹ cho nước này gần đây đã gặp khó khăn. Gần đây, Chính phủ Mỹ mới dỡ lệnh cấm giải ngân khoản 250 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hiện chưa rõ Tổng thống Zelensky sẽ xử lý ra sao trong quan hệ với Tổng thống Mỹ Trump. Với một số nhà quan sát, vụ việc Ukraine-Biden là một câu chuyện chính trị vớ vẩn. Song, với ông Zelensky, mọi việc sẽ không hề đơn giản. Ông sẽ phải cẩn trọng để tránh khả năng “chọc giận” ông Trump đồng thời cũng phải khéo léo để không làm ảnh hưởng tới quan hệ với một ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ có thể kế nhiệm ông Trump. Trong bối cảnh như vậy, tới nay, phản ứng của Kiev đối với vụ bê bối đang làm rúng động Washington được nhận định đã được tính toán rất kỹ và thận trọng.