“Chúng tôi đã có kế hoạch bắt đầu cuộc phản công vào mùa xuân. Nhưng chúng tôi đã không làm thế. Bởi vì thành thật mà nói, chúng tôi không có đủ đạn dược và vũ khí cũng như không có đủ quân số được huấn luyện thích hợp về những loại vũ khí này”, ông Zelensky giải thích, đồng thời cho biết thêm, việc tổ chức khóa huấn luyện bên ngoài Ukraine càng góp phần vào sự chậm trễ.
Ông Zelensky nói rằng chính sự chậm trễ này đã tạo cơ hội cho Nga xây dựng một số tuyến phòng thủ, khiến các hoạt động phản công của quân đội Ukraine giảm tiến độ.
Tổng thống Zelensky cũng đưa ra lời giải thích tương tự tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 21/7, rằng, Ukraine đã muốn khởi động cuộc phản công vào mùa xuân nhưng quyết định tạm dừng do thiếu đạn dược và binh sĩ chưa được đào tạo. Tuy nhiên, ông ngụ ý sẽ sớm đạt được chiến thắng ngay sau khi quân đội hoàn thành việc gỡ mìn mà sự chậm trễ của phương Tây đã tạo điều kiện cho lực lượng của Nga có thời gian để rải đặt.
Trong bối cảnh này, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết vẫn quá sớm để coi cuộc phản công là "thất bại", và Mỹ từ chối cung cấp hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) hoặc F-16 tầm xa cho Ukraine. Phía Mỹ lý giải rằng đơn giản là không có thời gian hoặc tiền bạc để huấn luyện người Ukraine bay và bảo dưỡng máy bay kịp thời.
Tờ New York Times đưa tin hồi đầu tháng này rằng quân đội Ukraine đã mất 20% vũ khí chỉ trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch phản công, tổn thất mà ông Zelensky cũng đổ lỗi cho sự “thiếu hào phóng” của các đồng minh phương Tây. Financial Times và Washington Post đều đưa tin về những lo ngại của Mỹ và phương Tây trước sự chậm trễ của Ukraine trong cuộc phản công.
Mặc dù NATO đã cam kết hỗ trợ quân đội Ukraine, nhưng việc không mời Kiev tham gia trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius khiến ông Zelensky tức giận, gọi hành vi của khối là "chưa từng có và vô lý".
Ukraine đã nhận được một lượng lớn viện trợ quân sự từ các thành viên NATO trong 18 tháng qua, với 46,6 tỷ USD từ Mỹ. Tuy nhiên, các đồng minh của Ukraine đang dần cạn kiệt đạn dược.