Tổng thống Zelensky 'lên tiếng' về thông tin Ukraine có vũ khí hóa học và vũ khí hủy diệt hàng loạt

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Ukraina Vladimir Zelensky mới lên tiếng phủ nhận việc phát triển vũ khí hóa học hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác ở nước này.
Tổng thống Ukraina Vladimir Zelensky.
Tổng thống Ukraina Vladimir Zelensky.

Nhà lãnh đạo Ukraina nhấn mạnh trong thông điệp video được đăng trên kênh Telegram cá nhân, các phòng thí nghiệm ở nước này tồn tại từ thời Liên Xô và đang tham gia vào “hoạt động khoa học thông thường”.

“Không có một người nào phát triển vũ khí hóa học hay bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác trên đất nước chúng tôi”, ông nói.

Trước đó, ngày 10/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục đích của chương trình nghiên cứu sinh học do Mỹ tài trợ ở Ukraina là nhằm tạo ra cơ chế lây lan kín cho những mầm bệnh có thể gây chết người thông qua các loài chim di cư giữa Nga và Ukraina.

"Với xác suất cao, chúng ta có thể nói rằng một trong những nhiệm vụ của Mỹ và các đồng minh là tạo ra các tác nhân sinh học có khả năng lây nhiễm chọn lọc cho các nhóm dân tộc khác nhau", ông Igor Kirillov, người đứng đầu lực lượng chống vũ khí bức xạ, hóa học và sinh học của Lực lượng vũ trang Nga cho biết.

Cũng theo ông Igor Kirillov, nghiên cứu được thực hiện gần biên giới Nga - trong khu vực bờ Biển Đen và Kavkaz.

Trong một diễn biến khác, WHO khuyến cáo Ukraine tiêu hủy các mầm bệnh có nguy cơ cao tại các phòng thí nghiệm y tế công cộng để ngăn chặn “các sự cố tiềm ẩn” có thể khiến dịch bệnh lây lan.

VOV.VN dẫn tin từ Reuters, WHO cho biết, cơ quan này đã hợp tác với các phòng thí nghiệm y tế công cộng Ukraine trong vài năm để thúc đẩy quy trình đảm bảo an ninh giúp ngăn chặn "việc phát tán mầm bệnh do vô tình hoặc cố ý”.

“Trong khuôn khổ sự hợp tác, WHO đã khuyến nghị Bộ Y tế Ukraine và các cơ quan có trách nhiệm khác tiêu diệt những mầm bệnh có nguy cơ cao để ngăn chặn sự phát tán ra bên ngoài”, tuyên bố của WHO nêu rõ.

Tuy vậy, tuyên bố không nêu chi tiết các mầm bệnh hoặc chất độc đang được nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của Ukraine. Cơ quan này cũng không trả lời câu hỏi liệu khuyến nghị của họ có được tuân thủ hay không. Các quan chức Ukraine cũng không bình luận gì về thông tin này.

Theo các chuyên gia an ninh sinh học, giao tranh tại Ukraine có thể làm gia tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh nếu bất cứ phòng thí nghiệm y tế nào bị phá hủy. Giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine cũng có các phòng thí nghiệm y tế để nghiên cứu cách thức giảm thiểu những mối đe dọa từ các mầm bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến cả động vật và con người, trong đó có COVID-19. Các phòng thí nghiệm của nước này đã nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, Liên minh châu Âu và WHO.