Tổng tiến công dẹp tin nhắn rác

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa kiến nghị một số biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa kiến nghị một số biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.

Xử lý vấn nạn tin rác, thư rác cần sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp
Xử lý vấn nạn tin rác, thư rác cần sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

9,8 triệu tin nhắn rác mỗi ngày

Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác đã có hiệu lực 4 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có các thông tư  quản lý đăng ký và hòa mạng thuê bao di động nhằm hạn chế tối đa tin nhắn rác, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 77 bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 90 về chống thư rác, nêu rõ đơn vị cung cấp quảng cáo hay nhà mạng nhắn quá một tin quảng cáo đến thuê bao trong một ngày sẽ bị phạt, tuy nhiên, tình trạng thư rác, tin rác chưa được cải thiện rõ ràng. Người sử dụng điện thoại, email vẫn thường xuyên nhận được tin rác quảng cáo, tiếp thị, thậm chí quấy rối.

Đối với thuê bao nào bị tố quấy rối, nhà mạng cùng lắm là cắt liên lạc số đó, hủy số để tái sử dụng sau, chứ không làm được gì hơn. Vì hầu hết SIM được “mua đại” ở một cửa hàng qua đường nào đó, không đăng ký thông tin chính xác, nên gần như không thể truy chính xác ai là chủ nhân của sim để xử phạt.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của công ty an ninh mạng Bkav cho biết, đơn vị này vừa thực hiện khảo sát về hiện tượng tin nhắn rác trên 50.000 người dùng điện thoại di động trong tháng 10. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao, mỗi người trung bình 3 ngày sẽ nhận một tin rác. Căn cứ vào con số 30 triệu thuê bao thực của Bộ TT&TT đưa ra, Bkav cho rằng một ngày có 9,8 triệu tin nhắn rác gửi đến người dùng di động.

Tính giá cước tin nhắn trung bình giữa nội mạng và ngoại mạng là 300 đồng, thì một ngày nhà mạng thu về khoảng 3 tỷ đồng. Ông Sơn cho rằng khó có thể trách nhà mạng trong vấn đề tin nhắn rác. Theo ông, đơn vị cung cấp mạng di động không được biết nội dung tin nhắn giữa các thuê bao với nhau: "Theo quy định, tin nhắn quảng cáo phải thêm chữ QC ở đầu, nhưng hiện nay các đối tượng gửi tin nhắn rác không làm điều này. Thực ra không riêng Việt Nam mà nước ngoài cũng gặp tình trạng như vậy".

Hiện tại, các nhà mạng đều có hệ thống chặn tin nhắn rác, hoạt động bằng cách ngăn thuê bao nhắn tin ồ ạt mà vượt quá số lượng cho phép trong một lần gửi (thường là trên 100 hoặc 200 tin). Tuy nhiên, cách thức này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn bởi những đối tượng vi phạm có các biện pháp đối phó.

Mê cung dịch vụ nội dung khó kiểm soát

Về thực trạng cung cấp dịch vụ nội dung, phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, hiện có khoảng 400 công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí trên mạng di động, cung cấp các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 nhà cung cấp này trực tiếp hoặc ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh khác để cùng cung cấp dịch vụ.

Các nhà cung cấp, nhà cung cấp vệ tinh đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ.

Những hình thức nhắn tin lừa đảo bao gồm: nhắn nội dung hướng dẫn người dùng tải game... để cài đặt vào máy điện thoại nhưng trong quá trình cài đặt, sử dụng thường ngấm ngầm trừ tiền (15.000 đồng) trong tài khoản mà không có bất kì thông tin cảnh báo...; tin nhắn lừa đảo, tặng quà nhắm vào lứa tuổi học trò, học sinh, sinh viên hay những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết; tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng; tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp viễn thông di động với mục đích lừa đảo người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx.

Theo Thanh tra Bộ, khi người sử dụng bị mắc lừa do làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, tin nhắn trả về cho người sử dụng lại hướng dẫn gọi các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc khiến người dùng bị mắc lừa rất nhiều lần nếu không cảnh giác.

Ngay cả trong quan hệ nội bộ của mình, nhiều nhà cung cấp cho nhà cung cấp vệ tinh thuê lại hệ thống, đầu số để cung cấp dịch vụ nội dung mà thiếu ràng buộc rõ ràng, khiến cho không kiểm soát được nội dung các nhà cung cấp vệ tinh đưa ra, dẫn đến tình trạng cung cấp cả thông tin mê tín, đồi trụy…

Sẽ có chế tài mạnh

Thời gian qua, Thanh tra Bộ TT&TT đã phối hợp với Trung tâm VNCERT, Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) tiến hành thanh tra hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ nội dung số và xử phạt 1,624 tỷ đồng, tịch thu 761 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với 3 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do đa số tin nhắn rác chủ yếu phát sinh từ SIM thuê bao di động trả trước nên việc truy tìm, xác minh các tổ chức, cá nhân đã phát tán tin nhắn rác thông qua thông tin thuê bao còn gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, Thanh tra Bộ TT&TT cho rằng, cần ban hành Thông tư quy định tài khoản chính (tài khoản 1) điện thoại di động chỉ được dùng để thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin thông thường. Việc giao dịch, thanh toán cho dịch vụ nhắn tin giải trí, dịch vụ nội dung chỉ được thực hiện thông qua tài khoản 2, sử dụng các thẻ nạp riêng do doanh nghiệp và công ty cung cấp dịch vụ nội dung phát hành hoặc nạp thẻ thông qua điện thoại.

Dự kiến, một hội nghị ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11 này nhằm quán triệt chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung không được phát tán tin nhắn rác hay tính tiền của người sử dụng khi không được cung cấp dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, cũng như đề xuất giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, các cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả việc cung cấp dịch vụ nội dung.

Hồng Vân

Đọc thêm