TP HCM còn nhiều nguồn thịt heo khi Vissan tạm ngừng hoạt động

(PLVN) - Khi Vissan tạm ngưng cung cấp thịt theo thì TP HCM vẫn có nguồn hàng bổ sung từ các đơn vị khác và một nguồn bổ sung nữa là nguồn thịt heo đông lạnh, dự trữ.
Một quầy hàng thực phẩm của Vissan trước thời điểm tạm giảm hoạt động.

Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM tổ chức chiều 28/7, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay, hiện nay, các địa phương đều thực hiện phát phiếu mua hàng cho người dân. Lượng hàng hóa chuẩn bị đầy đủ theo nhu cầu của người dân nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Việc Vissan tạm giảm hoạt động không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thịt heo tại các chợ.

Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của TP HCM khoảng 10.000 con/ngày vào thời điểm bình thường. Trong những ngày giãn cách xã hội, nhu cầu thịt heo giảm xuống còn 5.000 - 6.000 con/ngày. Trên thực tế, lượng thịt heo của Vissan cung cấp chiếm khoảng 10%, mỗi ngày Vissan giết mổ khoảng 500 - 600 con.

Bên cạnh Vissan, TP HCM còn nhiều đơn vị khác cung cấp thịt heo. Vì thế, khi Vissan tạm ngưng cung cấp thịt theo thì TP HCM vẫn có nguồn hàng bổ sung từ các đơn vị khác. Đồng thời, một nguồn bổ sung nữa là nguồn thịt heo đông lạnh, dự trữ.

Cũng tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thông tin, trước số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng, ngành y tế đã triển khai nhiều phương án phòng chống dịch trong giai đoạn mới như: tầm soát tất cả F0, thậm chí cả những trường hợp F0 không triệu chứng.

Về công tác điều trị, định hướng của TP tập trung cho công tác điều trị theo 5 tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của TP. Công tác chăm sóc F0, đối với các trường hợp test nhanh không có triệu chứng sẽ được ngành y tế cho theo dõi và chăm sóc tại nhà, khi có triệu chứng người bệnh cần liên hệ ngay đến các cơ quan y tế.

TP cũng mở rộng mạng lưới tư vấn qua điện thoại với các bác sĩ đầu ngành. Hiện TP cũng đang nghiên cứu kết hợp đông - tây y trong điều trị bệnh nhân nhẹ. Ngành y tế TP cũng đã giao cho Viện Y học cổ truyền, Chủ tịch Hội Đông y của TP, tìm hiểu, sản xuất thuốc điều trị cho bệnh nhân nhẹ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, TP HCM đã, đang và sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp triệt để giãn cách xã hội. Bởi, nếu không thực hiện quyết liệt giãn cách xã hội thì rất khó giảm được F0 phát sinh, khó giảm được thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Những ngày qua, số lượng F0 vẫn tăng với con số hàng nghìn ca/ngày. TP HCM đang tiếp tục tăng nguồn lực, mở thêm bệnh viện điều trị đảm bảo chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19.

Theo thông tin từ Vissan, từ ngày 28/6, Công ty Vissan đã bắt đầu thực hiện phương án “ba tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. Qua một tháng duy trì và đã đáp ứng được nhu cầu thịt tươi sống và thực phẩm chế biến cho thị trường, đặc biệt trong thời gian bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 10 tại TP HCM.

Tuy nhiên, đến ngày 17/7, Công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Ngày 20/7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại Công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23/7, Vissan có 43 ca mắc COVID-19.

Do đó, sáng 28/7, ban lãnh đạo Công ty quyết định tạm ngừng cung cấp mặt hàng thịt heo mảnh tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở TP HCM.