TP HCM: Hạn chế chợ truyền thống, siêu thị “quá tải”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều nơi tại TP.HCM đã áp dụng phương án tạm thời dừng chợ truyền thống. Cạnh đó, chợ tạm cũng hoàn toàn ngưng hoạt động. Hệ quả là nhiều cửa hàng tiện dụng, siêu thị quá tải, người dân tập trung mua hàng đông gây ra nhiều nguy cơ khác.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Chị Phạm Thị Thảo Nguyên, nhân viên công ty xuất nhập khẩu thực phẩm CIVI tại Tân Cảng, TP.HCM cho biết: “Việc sửa soạn bữa ăn tối mỗi ngày đối với tôi khá khó khăn trong thời gian này. Những ngày đi làm về, các chợ trên đường về hầu như đã ngưng hoạt động, chỉ có lựa chọn là vào siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm tiện dụng để mua thức ăn. Tuy nhiên, thời điểm tôi đi làm về cũng là lúc mọi người tan tầm, lượng người tập trung tại những siêu thị hay cửa hàng rất đông, có hôm chen chúc nhau tính tiền, tôi thấy khá không an toàn. Việc mua sắm quá tải cũng khiến thực phẩm tươi sống hầu như không còn gì vào mỗi buổi chiều muộn”.

Đó cũng là suy nghĩ của không ít người dân vào thời điểm này. Các chợ tự phát tạm dừng, chợ lớn trong nhiều khu vực cũng ngưng hoạt động, người dân tập trung đông đúc tại các cửa hàng thực phẩm tiện dụng và thường phải chịu cảnh quá tải, thiếu thực phẩm. Giới văn phòng còn có thể mua sắm online, dù không phải lúc nào cũng tiện dụng. Tuy nhiên, bất tiện lớn là đối với không ít người lao động nghèo, vốn quen với các chợ công nhân, chợ tự phát, nay cũng than phiền khi chịu mức giá cao hơn vì phải vào siêu thị mua sắm.

Anh Nguyễn Văn Tiêu, bảo vệ ngân hàng tại khu vực phường Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: “Thực ra tôi thấy đi chợ nếu giữ “5K” thì cũng khá an toàn. Hôm trước đi chợ thấy giăng dây, hạn chế tiếp xúc, mình chỉ việc ngồi trên xe, hỏi giá, chọn mua, rồi lấy hàng, để tiền lại và về. Còn đi siêu thị mini thấy trong phòng máy lạnh mà chen chúc đông mấy chục người, mỗi ô xếp hàng 4, 5 người, chỗ thì chật, muốn đứng xa nhau cũng không phải dễ, nên mỗi lần đi siêu thị mini tôi lại ngần ngại lắm, ngặt nỗi chợ gần nhà đóng cửa gần hết nên không không có nhiều lựa chọn”.

Việc ngưng bán tại nhiều chợ dân sinh cũng đang gây một số ý kiến trong cộng đồng, nhất là khi lượng người mua hàng giờ đây tập trung đông đúc tại các siêu thị lớn nhỏ, dễ gây ra nhiều hệ lụy.

TP.HCM hiện vẫn đang cân nhắc việc kiên quyết đóng cửa nhiều chợ truyền thống. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất, nên áp dụng mô hình của các chợ quận 8 đang thực hiện: mô hình chợ truyền thống cho luân phiên tiểu thương bán hàng, hôm nay hộ này thì ngày mai hộ khác. Các hộ kinh doanh phải ký cam kết bộ tiêu chí an toàn, nếu vi phạm sẽ tạm ngừng kinh doanh.

Việc đóng cửa chợ truyền thống là giải pháp hạn chế dịch, nhưng có thể là giải pháp không triệt để, khi “ngăn” ở phía này lại tạo nguy cơ ở nơi khác. Đồng thời, việc ngưng mỗi một chợ dân sinh truyền thống cũng gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của không ít người dân. Nên chăng có một giải pháp căn cơ, lưỡng toàn hơn dựa trên kinh nghiệm của nhiều quận, huyện, địa phương đã thực hiện hiệu quả, thay vì đóng cửa triệt để?