Để có cơ sở xây dựng đề án, Sở GTVT phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam kiểm tra, đo khí thải xe máy ở quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình hồi tháng 5. Sau 6 tháng, hơn 10.600 xe được kiểm tra, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải.
Đề án nêu năm 2021, TP sẽ ban hành quy định kiểm định khí thải xe máy trên địa bàn, xây dựng 88 trạm kiểm định. Giai đoạn 2022-2023, kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu. Mỗi xe bị đề xuất thu phí kiểm định 50.000 đồng mỗi năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe chạy ở quận 1, 3, 5 chưa đạt chuẩn bị phạt tiền.
Hai năm 2024 và 2025, TP đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng khu vực cần đạt chuẩn khí thải gồm quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình. Từ năm 2026 trở đi, mức chuẩn được nâng lên và mở rộng kiểm soát ở 13 quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Tổng chi phí đầu tư nhân lực, hệ thống kiểm soát khí thải xe máy đến 2030 được tính toán khoảng 553 tỷ đồng. Ban đầu, TP chi khoảng 200 tỷ đồng đầu tư, sau đó với mức thu 50.000 mỗi xe, đến năm 2023 sẽ thu hồi vốn. Từ năm 2024 trở đi, TP không phải đầu tư thêm mà dùng nguồn thu từ kiểm định để duy trì kiểm soát.
Đánh giá kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết, nhưng theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP HCM), số liệu nghiên cứu đưa ra ở đề án chưa “đủ tin cậy”. So với tổng lượng xe máy tại TP HCM khoảng 10 triệu, việc đo và lấy mẫu chỉ hơn 10.000 là quá ít, chưa đủ cơ sở đánh giá.
Ông Đỗ Văn Chung, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho rằng khi kiểm soát khí thải xe máy, người nghèo sẽ chịu tác động lớn do chủ yếu sử dụng xe cũ. Việc đóng phí kiểm định tạo thêm gánh nặng, gây xáo trộn đời sống của họ. Đại diện quận Bình Tân cho hay với hàng triệu xe máy như hiện nay thì vài trăm cơ sở kiểm định như đề xuất khó đáp ứng.
PGĐ Sở GTVT Bùi Hoà An cho hay những ý kiến phản biện sẽ được Sở tiếp thu để hoàn thiện đề án. “Mục tiêu đề án ngoài việc cải thiện ô nhiễm còn từng bước giảm xe máy, hạn chế ùn tắc, tai nạn ở TP”, ông An nói.
Đến tháng 9, TP HCM có hơn 7,4 triệu xe máy (chiếm 93% tổng lượng xe tại thành phố), chưa kể xe vãng lai. Khí CO (Cacbon monoxit) và HC (Hydrocarbon), có hại cho sức khỏe, phát ra từ xe máy hiện chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Đề án tính toán khi áp dụng kiểm soát, mỗi năm thành phố giảm hơn 56.000 tấn khí CO, 4.400 tấn HC thải ra môi trường.
Hiện Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có mức tiêu chuẩn khí thải rất thấp và chỉ áp dụng được với ôtô, chưa có tiêu chuẩn với xe máy. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 chỉ áp dụng đối với xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới chứ không phải với xe chạy trên đường.