Nhan nhản xe cũ trên phố
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe mô tô, xe máy và đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố. Theo dự báo, xu hướng phát triển của xe máy vẫn tiếp tục gia tăng nhanh.
Nhiều tổ chức môi trường cảnh báo, xe máy tham gia giao thông là một trong những nguồn thải gây ra ô nhiễm đô thị. Đáng nói, do chưa được kiểm soát khí thải nên mỗi xe cũng là những nguồn phát thải gây ô nhiễm.
Theo tính toán thì xe máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính điêzen) nhưng lại thải ra cỡ 94% HC; 87% CO; 57% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và điêzen.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, Hà Nội đã từng đưa ra việc cần thải loại, thu hồi xe máy cũ nát. Nhưng đến nay việc giảm và kiểm soát ô nhiễm phát sinh từ xe máy vẫn chưa thể thực hiện. Hệ lụy là, không ít xe máy cũ, nát vẫn tung hoành trên phố. Theo ghi nhận, trên các tuyến phố chính dẫn vào nội đô thời điểm sáng sớm như: Trục quốc lộ 6, đường 21B, đường 32… các tiểu thương vẫn ùn ùn vận chuyển các thực phẩm như thịt lợn, cá… bằng xe máy.
Đáng nói, quan sát những phương tiện này có thể dễ dàng thấy nhiều xe đã quá cũ nát, được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thậm chí, có xe tuổi thọ đã trên 15 năm vẫn đang tham gia giao thông. Để xe máy có thể vận chuyển hàng nặng, các chủ phương tiện thường “độ” thêm bằng cách lắp bộ phận giảm sóc, gia cố yên, giá đỡ…
Anh Nguyễn Văn Nam, một chủ tiệm sửa xe ở quận Hà Đông cho biết, để xe cũ có thể “chạy ngon”, anh thường tiến hành đại tu, thay thế loại toàn bộ các bộ phận. Mỗi tháng cửa hàng anh đều nhận được không dưới 10 trường hợp đại tu xe cũ như vậy.
Theo anh Nam, xe cũ nếu đã qua sử dụng được trên dưới 10 năm, chắc chắn phải bổ máy ra làm lại hơi. Hỏi sâu hơn về việc phân biệt xe xả khói thải ở mức nào là ô nhiễm không khí, đến mức nào phải sửa chữa, khắc phục, người thợ sửa xe hoàn toàn không biết. “Các xe xả nhiều khói đen hoặc trắng, chứng tỏ xe đang bị trục trặc kỹ thuật. Có thể do bộ lọc gió, chế hòa khí không được bảo dưỡng nên bị bẩn tắc. Nặng hơn là van xăng, giăng, séc-măng bị hở, piston hoặc xi lanh bị mài mòn… nếu biết “bệnh” của xe thì tiến hành thay thế là ổn” - chủ tiệm sửa xe chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, với xe máy cũ, không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Đối với xe máy mới từ 1-5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.
Cần sớm triển khai
Trước tình hình ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn giao thông do xe máy cũ gây ra có thể thấy, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố hiện nay là rất cần thiết và cần phải sớm quy định lộ trình thực hiện. Nếu làm được điều này sẽ góp phần trực tiếp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân đô thị, tăng cường thu hút đầu tư thương mại và du lịch.
Việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện cơ giới nói chung và xe máy nói riêng là đúng đắn, đã được nhiều quốc gia trên toàn thế giới thực hiện. Trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, từ tháng 6/2017, UBND TP Hà Nội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ban hành quy định về quản lý, thu hồi đối với xe mô tô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Theo đó, từ 1/7/2018 đến 31/12/2019 sẽ thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên tham gia giao thông tại TP Hà Nội. Đồng thời thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.
Như vậy, đề xuất liên quan đến công tác “siết” xe máy đã có, tuy nhiên theo tìm hiểu của người viết, hiện lộ trình thải loại xe máy cũ nát tại Hà Nội đang gặp một số vướng mắc nhất định. Cụ thể, hiện hành lang pháp lý liên quan vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Ngoài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành.
Khách quan nhìn nhận, kiểm định khí thải phương tiện không hề là câu chuyện phiền toái, nếu có sự vào cuộc đồng thuận của cả cơ quan chức năng và người dân, dựa trên khung quy trình hợp lý. Trong đó, việc tối giản thủ tục, cân bằng hài hòa trách nhiệm, quyền lợi của các cơ sở kiểm định, đẩy mạnh tuyền truyền ý thức bảo vệ môi trường tới chủ xe chính là những yếu tố quan trọng giúp “gỡ khó” cho hoạt động này.
Theo đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam – đơn vị soạn thảo đề án, việc kiểm soát khí thải với xe máy sẽ thực hiện theo 3 phương án. Theo đó, từ ngày 1/7/2018 sẽ bắt buộc kiểm soát khí thải đối với xe máy từ 175 phân khối trở lên và từ ngày 1/7/2025 trở đi áp dụng chung cho tất cả các loại môtô, xe máy.
Xe máy sau khi được kiểm tra đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận lưu hành. Xe có kết quả kiểm tra không đạt phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và được kiểm tra lại. Đối với xe không thực hiện kiểm tra khí thải sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Theo đề án này, bước đầu sẽ thực hiện kiểm tra đối với các loại xe từ 15 năm tuổi trở lên, sau đó giảm dần. Thời hạn kiểm tra 2 năm một lần tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chất lượng xe ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông (hệ thống phanh, lái không an toàn), xe cũ nát ảnh hưởng đến xả khí thải ra môi trường đô thị.