Bộ máy chính quyền đồng sức, đồng lòng
Theo đánh giá của lãnh đạo TP HCM, là đầu tàu kinh tế của cả nước với hơn 300.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động, dân số đang ở mức trên 10 triệu người nên nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở TP HCM là rất lớn.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào TP HCM nhiều hơn nữa, lãnh đạo TP xác định, cải cách TTHC là mục tiêu trọng tâm. Mặt khác, TP HCM đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, TP có chất lượng sống tốt. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, năm 2019 là “Năm đột phá thực hiện CCHC, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI”.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp với yêu cầu xuyên suốt là đảm bảo nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác CCHC. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ lãnh đạo đến chuyên viên, trên mọi cương vị công tác phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến hành động…
UBND TP cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận - huyện, các doanh nghiệp trực thuộc TP tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chương trình CCHC. Trong đó, thực hiện hiệu quả Đề án ủy quyền, giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, người dân; tăng tỉ lệ thủ tục hành chính qua mạng cấp độ 3, 4, nhất là lĩnh vực đất đai và lĩnh vực xây dựng; đạt trên 80% mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp và trên 90% tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực…
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Thời gian qua, tại TP HCM, nhiều cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm, nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đề ra nhiều mô hình sáng kiến, cách làm hay, thiết thực trong công tác CCHC. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đối với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, có những mô hình phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận và phản hồi tốt cần nhân rộng áp dụng đến nhiều đơn vị khác.
Từ những hạt nhân đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận – huyện chủ động hơn nữa việc tham khảo, áp dụng nhân rộng các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong công tác CCHC với tinh thần hiệu quả, đồng bộ, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, địa bàn.
Một số mô hình sáng kiến, cách làm hay được tập trung nhân rộng như mô hình tại quận Bình Thạnh: “Bình Thạnh trực tuyến”. Đây là phần mềm được cài đặt trên thiết bị điện thoại thông minh, giúp phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự đô thị, cung cấp thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân ở một số lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có ứng dụng “Thông tin Quy hoạch TP” giúp tra cứu thông tin quy hoạch bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và trang thông tin điện tử. Hay như ở quận Thủ Đức có đường dây nóng tại UBND phường Hiệp Bình Chánh; mô hình liên thông điện tử giữa cơ quan Tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 12…
Đặc biệt mới đây, UBND TP vừa ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống quản lý công tác CCHC. Đây là phần mềm tin học hóa các quy trình hoạt động tác nghiệp, soạn thảo, trình duyệt và ký duyệt trực tiếp sử dụng chứng thư chữ ký số, lưu trữ, trao đổi, thông tin, xử lý thông tin liên quan đến kế hoạch CCHC, báo cáo CCHC… giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác điều hành của lãnh đạo TP, Thủ trưởng các sở - ngành, quận - huyện, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ, công chức.
Với những nỗ lực trong cách triển khai, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP đang đặt niềm tin rằng chính quyền sẽ thực hiện tốt công tác CCHC, hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như năng lực cạnh tranh sẽ được nâng cao và thu hút đầu tư của TP sẽ được phát huy hiệu quả…