TP HCM: Phát hiện vụ giả mạo văn phòng công chứng

(PLO) - Về pháp lý, 600 hồ sơ, sự việc được công chứng, chứng thực ở văn phòng công chứng (VPCC) giả vừa mới được phát hiện tại TP HCM không có giá trị. Tuy nhiên, người đến công chứng, chứng thực là ngay tình. Nếu phát sinh tranh chấp giữa các bên mà tòa tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu thì thiệt hại ai chịu? Còn nếu các giao dịch phát sinh được thực hiện từ việc công chứng giả nhưng muốn tiếp tục thì phải giải quyết thế nào? 
VPCC Sao Bắc Đẩu thời điểm bị kiểm tra
VPCC Sao Bắc Đẩu thời điểm bị kiểm tra

VPCC giả ngang nhiên tồn tại thời gian dài

Sở Tư pháp TP HCM vừa phát đi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc phát hiện một VPCC giả mang tên VPCC Sao Bắc Đẩu tại số 229 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9 nhằm cung cấp thông tin, ngăn chặn những giấy tờ công chứng, chứng thực được thực hiện tại VPCC này.

Mặc dù mang tên VPCC Sao Bắc Đẩu nhưng lại sử dụng con dấu của VPCC quận 12. Người đứng tên công chứng viên (CCV) là Nguyễn Thế Thành. Tuy nhiên, người tên Thành này không đăng ký hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, việc phát hiện, bắt quả tang VPCC Sao Bắc Đẩu xuất phát từ một phản ánh, nghi vấn của người dân khi thấy nơi đây đặt bảng quảng cáo rất mập mờ. Bảng hiệu ghi là Công ty TNHH DV tư vấn kế toán kiểm toán, nhà đất Sao Bắc Đẩu nhưng bên trong lại có thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Sau khi nắm được thông tin, VPCC Sao Bắc Đẩu đang sử dụng con dấu của VPCC quận 12, Sở Tư pháp xác minh với ông Nguyễn Hoàng Vũ – Trưởng VPCC quận 12 (có trụ sở tại đường Tô Ký, phường Đông Hưng Thuận, quận 12). Ông Vũ khẳng định không hề liên kết với VPCC Sao Bắc Đẩu hoặc mở chi nhánh ở nơi khác. Ông Vũ cũng không biết, không hợp tác làm việc với ông Nguyễn Thế Thành.

Ngay sau khi xác minh, Thanh tra Sở Tư pháp phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận 9), Phòng Kinh tế quận 9, UBND phường Hiệp Phú, Trưởng VPCC quận 12 kiểm tra tiến hành đột xuất VPCC Sao Bắc Đẩu.

Theo biên bản kiểm tra, VPCC Sao Bắc Đẩu có 3 nhân viên đang làm việc. Một người phụ nữ giữ con dấu và trực tiếp thực hiện các việc công chứng, chứng thực. Việc bố trí chỗ ngồi, bảng tên các nhân viên, máy móc, các bảng hiệu bên trong giống như một VPCC thực thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, nữ quản lý giao nộp các con dấu sau: Dấu “Công chứng viên”, dấu “Chứng thực sao y đúng với bản chính”, dấu “Sao y bản chính”, dấu “Bản sao”; dấu tên “Nguyễn Thế Thành” nhưng không giao nộp dấu tròn “VPCC quận 12” và các tài liệu đã công chứng, chứng thực.

Trong biên bản, nữ quản lý trình bày bà đang hoàn tất các thủ tục cấp giấy đăng ký hoạt động VPCC Sao Bắc Đẩu nên có treo biển hiệu để quảng cáo. Trong quá trình chờ được cấp giấy, bà có ký hợp đồng lập chi nhánh đại diện VPCC quận 12 với ông Nguyễn Thế Thành. Bà nói ông Thành là CCV đang hoạt động tại VPCC quận 12. Tuy nhiên, việc này bị ông Nguyễn Hoàng Vũ – Trưởng VPCC quận 12 bác bỏ.

Người nữ quản lý cũng nói khai nhận về quy trình hợp tác công chứng, sao y, chứng thực. Theo đó, bà là người tiếp nhận hồ sơ khi có người yêu cầu công chứng, soạn thảo các văn bản, hợp đồng. Sau đó, bà gọi điện tho ông Nguyễn Thế Thành đến ký và đóng dấu. Con dấu VPCC quận 12 được nghi làm giả do ông Thành giữ. Các giấy tờ sau khi hoàn tất công chứng, chứng thực thì giao hết cho khách, không lưu giữ.

Ông Thành có địa chỉ cư trú tại Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, ông Thành không có mặt tại VPCC Sao Bắc Đẩu. Đến thời điểm kiểm tra, VPCC Sao Bắc Đẩu, ông Thành đã thực hiện hơn 600 hồ sơ về việc công chứng, chứng thực.

Mẫu công chứng giả mạo
Mẫu công chứng giả mạo

Hệ lụy...

Các luật sư khi nhận định vụ việc nêu quan điểm phải khởi tố hình sự vụ việc và hậu quả để lại từ 600 hồ sơ, sự việc được công chứng, chứng thực là cực kỳ to lớn và nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều người.

Luật sư (LS) Hứa Thị Thảo (Đoàn LS TP HCM) nói: “Đây là sự kiện có một không hai từ trước đến nay. Một VPCC giả mạo tồn tại lâu dài mà không ai hay biết, không ai có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Ông Vũ (Trưởng VPCC quận 12, TP.HCM) khẳng định văn phòng không có ai tên Nguyễn Thế Thành và không hợp tác với người này hay liên kết với cá nhân nào nào khác. Con dấu của VPCC quận 12 do ông Vũ quản lý và được lưu trữ, quản lý tại văn phòng và không được phép mang ra ngoài. Vậy, có căn cứ khẳng định, con dấu VPCC Sao Bắc Đẩu đang sử dụng là con dấu giả”.

Hành vi làm giả con dấu và sử dụng con dấu giả để đóng vào tài liệu của khoảng 600 vụ việc công chứng, chứng thực là có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (có mức hình phạt cao nhất đến bảy năm tù).

Theo điều 74 Luật Công chứng năm 2014: "Các cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật". Theo quy định trên, cá nhân, tổ chức vi phạm ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ giấy tờ đã công chứng giả và bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Và nếu có thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Hiện tại 600 hồ sơ này đã được phát hành. Và trong một số tài liệu trên nếu đem đi giao dịch sẽ phát sinh hậu quả khó lường. Theo tôi, những hợp đồng được công chứng tại VPCC Sao Bắc Đẩu là những hợp đồng vô hiệu. Tất cả hồ sơ đã được ký không nằm trên hệ thống công chứng nên khi đem đi giao dịch sẽ bị ngăn chặn nên không thể giao dịch được. Trách nhiệm dân sự đặt ra nếu giao dịch bị ngăn chặn, không thực hiện được hoặc bị tòa tuyên vô hiệu. Thiệt hại cho các nạn nhân trong trường hợp giao dịch là các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản hay thỏa thuận vay mượn để từ đó các bên thực hiện nghĩa vụ. Khi bị công chứng giả, một bên không hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ thu hồi, gây thiệt hại cho bên kia thì thiệt hại đó có thể buộc cá nhân, tổ chức của VPCC giả mạo bồi thường”, LS Thảo nói.

Theo LS Thảo ngoài trách nhiệm hành chính, hình sự mà VPCC giả mạo bị truy cứu. Theo luật, trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động của VPCC trên địa bàn thuộc về UBND quận, phường. Nếu các cơ quan này thường xuyên kiểm tra, xử lý thì không phải để đến hơn 600 hồ sơ, sự việc được công chứng, chứng thực bất hợp pháp mới bị phát hiện như hiện nay. Và việc phát hiện VPCC Sao Bắc Đẩu có giả mạo là từ nguồn tin của người dân chứ không phải của chính quyền địa phương. Vì thế, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra, xử lý chứ đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nói vụ việc chắc chắn sẽ bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hoặc 2 hai tội thì phải dựa vào hồ sơ, chứng cứ thu thập được.

“Đối với tội lừa đảo, hành vi của các cá nhân liên quan là đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm chiếm đoạt phí công chứng. Bị hại trong vụ án là những người đã đến công chứng, chứng thực có trả phí”, LS Quân nói.

Đối với 600 hồ sơ, sự việc được công chứng, chứng thực, LS Quân nói rằng chắc chắn phải bị vô hiệu. Còn nếu phát sinh tranh chấp, phát sinh giao dịch khác mà tòa tuyên vô hiệu vì việc công chứng được thực hiện ở một VPCC giả mạo và phát sinh thiệt hại thì VPCC giả, người thực hiện việc công chứng phải bồi thường: “Biết rằng, người đến công chứng, chứng thực tại VPCC Sao Bắc Đẩu là ngay tình vì không biết nơi đây là giả. Nhưng không thể nói ngay tình mà những hợp đồng được phép tồn tại hoặc xem như chuyện đã rồi được. Vì người đến công chứng, chứng thực ngay tình, không có lỗi nên khi phát sinh tranh chấp, có thiệt hại, họ mới được bồi thường”, LS nêu quan điểm. Hiện. Cơ quan công an quận 9 đang tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa VPCC Sao Bắc Đẩu với người tên Nguyễn Thế Thành. 

Luật Công chứng nghiêm cấm mở chi nhánh, văn phòng đại diện

Theo đó, điều 7 Luật Công chứng năm 2014 nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Việc đặt tên VPCC phải tuân thủ theo điều 22 Luật Công chứng. Tên gọi VPCC phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo sau là họ tên trưởng văn phòng hoặc họ tên CCV hợp danh của VPCC. Tuy nhiên, việc phân biệt VPCC thật – giả hiện nay rất khó khăn đối với người dân, người có nhu cầu công chứng, chứng thực.

Đọc thêm