Hàng quảng cáo trên mạng không giống với thực tế
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT vừa thông tin với báo chí về chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng và tình hình thực phẩm không bảo đảm an toàn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Huy cho biết, hiện nay công tác quản lý chất lượng hàng hóa bán qua mạng còn gặp nhiều khó khăn do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp liên ngành là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, DN hoạt động TMĐT.
Trong giai đoạn 2024 và 5 tháng/2025, Chi cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan hoạt động TMĐT với các vi phạm chủ yếu như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan nhà nước… Đã tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng, xử phạt số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Ông Huy đánh giá, do số lượng giao dịch lớn, sự đa dạng của các loại hình kinh doanh (từ các sàn TMĐT lớn đến các website bán hàng cá nhân, bán hàng qua mạng xã hội (MXH)) và chủ thể tham gia đông đảo khiến việc bao quát, giám sát trở nên vô cùng khó khăn.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM. (Ảnh trong bài: Nhã An) |
Nhiều đối tượng kinh doanh không công khai địa chỉ, không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng tài khoản MXH, sàn TMĐT trung gian để chào bán hàng; gây khó khăn trong việc xác định chủ thể và xử lý vi phạm. Mặt khác, hàng được quảng cáo trên mạng có thể không giống với thực tế, đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh. Nhiều sản phẩm không có nhãn phụ, hóa đơn, chứng từ hoặc nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Một số hành vi vi phạm trên môi trường mạng hiện vẫn chưa có quy định xử lý cụ thể, hoặc mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái phạm. Còn một bộ phận không nhỏ người kinh doanh trên mạng cố tình lợi dụng kẽ hở để thực hiện các hành vi gian lận, bán hàng giả, kém chất lượng. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ham rẻ, dễ bị thu hút bởi các quảng cáo cường điệu, sai sự thật và chưa có thói quen kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, người bán trước khi giao dịch.
Để ngăn chặn vấn đề trên, Sở Công Thương đã tham mưu hoàn thiện chính sách quản lý liên quan đến hoạt động TMĐT theo hướng phù hợp với thực tiễn, như quản lý tài khoản ảo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe.
Ngoài ra, tăng cường kết nối liên ngành - liên tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên TMĐT thực hiện đúng quy định pháp luật; tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết và tố giác hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên mạng.
Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT phối hợp cơ quan chức năng mở đợt tấn công cao điểm từ ngày 15/5 - 15/6 để đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ... theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Vấn đề thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp
Về tình hình thực phẩm bẩn, ông Huy cho biết, tình hình thực phẩm không bảo đảm an toàn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn những diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Mặt hàng thực phẩm vi phạm đa dạng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm bao gói sẵn, đường cát... không chỉ tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Các vi phạm thường gặp như kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng chế biến thực phẩm. Các vi phạm liên quan nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
![]() |
Lực lượng QLTT TP HCM phối hợp công an kiểm tra chất lượng hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh. |
Thời gian qua, Chi cục QLTT đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn cử như tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại Thủ Đức, xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12...
Qua theo dõi trên MXH, QLTT còn phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép. UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Mới đây, ngày 14/5, Chi cục QLTT đã kiểm tra và phát hiện một điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây đang kinh doanh yến sào tinh chế loại 100g/hộp không rõ nguồn gốc, xuất xứ; một điểm kinh doanh tại quận 8 đang kinh doanh bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn giới thiệu, bày bán trên website TMĐT.
Về biện pháp kiểm soát các loại thực phẩm vận chuyển từ các tỉnh về TP, ông Huy cho biết, Sở tăng cường hợp tác liên tỉnh, triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” và phối hợp kiểm tra tại các cửa ngõ, chợ đầu mối.
Để nâng cao tính răn đe, bên cạnh các biện pháp đang áp dụng, đại diện Chi cục QLTT cho rằng cần công khai thông tin vi phạm, tăng nặng chế tài xử phạt, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu vi phạm...