TP HCM tổ chức Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn Kinh tế TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 24/9, Hội nghị Đối thoại hữu nghị do UBND TP HCM chủ trì đã khai mạc với hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP HCM.
Đoàn đại biểu đến dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn khổ của sự kiện Đối thoại Hữu nghị TP HCM lần thứ 2 và Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5 năm 2024.
Đoàn đại biểu đến dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn khổ của sự kiện Đối thoại Hữu nghị TP HCM lần thứ 2 và Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5 năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM - Phan Văn Mãi thay mặt Chính quyền và nhân dân Thành phố, gửi lời cảm ơn chân thành tới các vị khách quý đã không quản ngại địa lý để đến thăm Thành phố thân yêu và tham gia sự kiện ý nghĩa này.

Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 ngàn tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công...

Đối thoại Hữu nghị TP HCM lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển” và Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM ” diễn ra từ ngày 23 – 27/9 với nhiều sự kiện quan trọng.

Hướng tới tương lai, TP HCM cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Thành phố tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong khuôn khổ Chương trình, các đại biểu đã nghe Báo cáo Tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TP HCM và cùng nhau thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế. Bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (PPP, tài chính, nhân lực…). Các đại biểu cũng đánh giá những khó khăn, thách thức của TP HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với Thành phố.

Dự kiến tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo (Megatrends) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP HCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.

Các đại biểu quốc tế tham quan khu trưng bày các công nghệ cao, vi mạch điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Các đại biểu quốc tế tham quan khu trưng bày các công nghệ cao, vi mạch điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Chương trình cũng sẽ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế TP HCM tại công viên bến Bạch Đằng (Quận 1). Sau Lễ công bố, các đại biểu sẽ đi bộ ngắm cảnh thành phố từ công viên Bến Bạch Đằng đến Cà phê trứng 3T (số 1A Tôn Đức Thắng, Quận 1). Tại đây, các đại biểu thưởng thức món cà phê trứng độc đáo của Việt Nam, đồng thời được tự tay trải nghiệm pha chế thức uống này...

Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ buổi chiều ngày 25/9 sẽ diễn ra với phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau đó là phần hỏi đáp với các Bộ ngành địa phương bao gồm TP HCM, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương.

Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Dịp này, TP HCM sẽ tổ chức Lễ khánh thành và lễ ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP HCM. Trụ sở Trung tâm được đặt tại Khu Công nghệ cao TP HCM, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024.

Trung tâm sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), qua đó tăng cường hợp tác với các Trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế. Trung tâm góp phần huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP HCM.

Trung tâm C4IR tại TP HCM sẽ hoạt động theo hình thức kết hợp công và tư với các Doanh nghiệp lớn Việt Nam và Thành phố tham gia sáng lập.

Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ và TP HCM trong việc thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 - 2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Từ năm 2023-2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đã chủ động làm việc với WEF và đi đến những kết quả như: Ký kết tuyên bố chung cho việc thành lập C4IR tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 4 năm 2023 và Ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm tại TP.HCM với WEF tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên vào tháng 1/2024 tại Davos, Thuỵ Sỹ…

Đọc thêm