Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Bến xe Miền Đông mới chủ động, phối hợp kịp thời với các sở, ngành liên quan để hoàn tất việc ký hợp đồng thuê đất; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… đồng thời hoàn tất việc thực hiện cung cấp các dịch vụ tiện ích bên trong khuôn viên bến xe.
Bến xe Miền Đông mới cần rà soát, bổ sung hoàn chỉnh cơ sở vật chất, các trang thiết bị và nội thất bên trong khuôn viên nhà ga và các khu vực liên quan đảm bảo trước khi đưa vào khai thác.
Sở GTVT giao Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế về tình hình tổ chức giao thông xung quanh khu vực Bến xe Miền Đông mới (hệ thống biển báo, vạch sơn, phân luồng giao thông, lối ra vào người dân khu vực, luồng tuyến xe buýt và xe khách liên tỉnh, hoạt động xe tải, các tuyến đường lân cận...).
Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát phát hiện kịp thời các bất cập còn tồn tại, phát sinh mới, thống nhất đề xuất phân công các đơn vị thực hiện khắc phục, bổ sung kịp thời, đảm bảo khi Bến xe Miền Đông mới vào hoạt động được hiệu quả, thuận lợi và an toàn.
Sở GTVT lưu ý việc tổ chức thi công công trình giao thông tại mặt trước Bến xe Miền Đông mới (dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên đường Xa lộ Hà Nội, Quận 9, TP HCM và Dĩ An, tỉnh Bình Dương, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên), phù hợp với điều kiện khai thác của bến xe và tiến độ thi công các dự án theo từng giai đoạn.
Theo kế hoạch di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra bến xe Miền Đông mới, giai đoạn 1 sẽ di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc).
Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày xe khách hoạt động tại bến xe mới. Bên cạnh đó, nhiều tuyến xe buýt trợ giá (số 55, 76, 150) và không trợ giá (số 602, 611) được bố trí để phục vụ khách. Dự kiến, có khoảng 80 chuyến xe buýt/ngày phục vụ khách ra vào bến xe.
Bến xe Miền Đông mới khởi công từ tháng 4/2017 từng được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018. Tuy nhiên vì vướng nhiều thủ tục, bến xe vẫn chưa thể hoạt động, nhiều lần phải dời thời gian khánh thành.
Bến có tổng diện tích 16ha, rộng gần gấp 3 lần so với bến xe Miền Đông hiện hữu, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là bến xe được xây dựng lớn nhất nước và hiện đại trong khu vực Đông Nam Á, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng...