TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp “hạ nhiệt” ùn tắc giao thông dịp cuối năm

(PLVN) - Hôm qua (13/1), UBND TP HCM tổ chức cuộc họp về tình hình giao thông trên địa bàn TP, tập trung giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cuối năm, đặc biệt tại một số khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất; cảng Cát Lái - Phú Hữu, bến xe, nhà ga... Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chủ trì.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Quốc Hùng)

Ùn tắc ở các tuyến đường tại trung tâm tăng 17%

Tại cuộc họp, PGĐ Sở GTVT TP Bùi Hòa An cho biết, thông qua dữ liệu từ trung tâm điều khiển cho thấy lưu lượng xe ở các tuyến đường trên địa bàn gần đây tăng 2,8 - 11,4% so với cùng kỳ. Trong đó, mật độ xe rất lớn ở khu trung tâm, quanh sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Bình Thạnh...

Theo ông An, từ dữ liệu quan trắc cho thấy ùn tắc ở các tuyến đường tại trung tâm TP tăng khoảng 17%, một số khu vực cửa ngõ cũng tăng 10%. Điều này dẫn đến năng lực lưu thông qua các nút giao chậm hơn, chu kỳ đèn xanh không thể giải tỏa hết xe, ảnh hưởng dây chuyền tới các giao lộ liền kề.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ngoài nhu cầu đi lại, mua bán tăng cao cuối năm, gần đây TP tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện... phải hạn chế xe ở một số tuyến đường.

Mặt khác, sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, mức phạt với các vi phạm cao hơn nhiều so với trước nên người dân tuân thủ hơn, hạn chế rẽ phải khi đèn đỏ. Với mật độ xe rất lớn, các nút giao ở trung tâm đa phần nằm gần nhau, dẫn đến tình trạng dừng chờ kéo dài.

Để hạn chế ùn tắc, lãnh đạo Sở GTVT cho biết đang phối hợp cảnh sát giao thông (CSGT) điều chỉnh linh hoạt đèn tín hiệu giao thông, theo từng thời điểm trong ngày. Đồng thời, khoảng 131 nút giao trên địa bàn mới được lắp đèn tín hiệu mũi tên màu xanh cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, thuận lợi hơn cho người dân đi lại. Ông An cho biết, giải pháp này sẽ tiếp tục được mở rộng ở những nút giao đủ điều kiện sau khi các đơn vị liên quan thống nhất tiêu chí; và ngành Giao thông TP cũng đang liên tục rà soát, khắc phục các bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông phù hợp.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM cũng đánh giá ý thức của người dân được nâng cao hơn nhiều sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. Theo ông Lợi, trước đây, khung giờ cao điểm, nhiều người không chấp hành đèn tín hiệu mà thường rẽ phải khi đèn đỏ hoặc lấn trái để dừng. Các hành vi này hiện không còn nhiều, ngoài một số người như taxi, shipper vẫn vi phạm khi đón trả khách, leo lề đường...

Ban ATGT đề nghị tiếp tục khắc phục một số bất cập thời lượng đèn tín hiệu; bố trí làn rẽ phải hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm làm cơ sở thực hiện rộng trên địa bàn. Khi xe rẽ phải ở những nơi giao lộ, lái xe cần ưu tiên cho người đi bộ, khuyết tật khi băng qua đường.

“Đèn xanh còn khoảng 5 giây, nhiều người đã dừng lại”

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Dương, PGĐ Công an TP HCM thông tin, sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, tình hình tai nạn giao thông ở TP đã giảm, các vi phạm cũng giảm rất nhiều.

Theo Đại tá Dương, một trong những lý do nhiều đường trung tâm TP gần đây ùn ứ là các đơn vị mới diễn tập phòng cháy, chữa cháy quy mô lớn, một số tuyến đường phải hạn chế xe. Một nguyên nhân khác là người dân quá e dè bị xử phạt nên có hiện tượng dù đèn xanh vẫn còn khoảng 5 giây nhưng nhiều người đã dừng lại, nhất là ô tô. Kéo theo đó dòng xe chiếm dụng mặt đường lớn, làm xe phía sau bị dồn lại, nhất là giờ cao điểm.

Một cảnh ùn tắc giao thông tại TP HCM sáng 13/1/2025. (Ảnh: Đào Phương - Nguyễn Huế)

Theo Đại tá Dương, Công an TP đang tập trung bố trí lực lượng tại các điểm thường ùn tắc, đồng thời phân luồng từ xa, hạn chế xe dồn đến nơi ùn tắc. Thông qua hệ thống camera, nhóm chat, nhiều lực lượng sẽ phản ứng nhanh, tập trung xử lý tránh để kẹt xe kéo dài.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đánh giá, những ngày tới giao thông TP HCM có thể phức tạp hơn do bước vào cao điểm phục vụ đi lại dịp Tết Nguyên đán.

Lãnh đạo UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng loạt các giải pháp hạn chế ùn tắc, nhất là khu vực trung tâm, quanh các đầu mối giao thông lớn như sân bay, bến xe... Khi phát sinh ùn ứ, các lực lượng cần phương án xử lý nhanh, không để xảy ra tắc nghiêm trọng.

"Quy định mới có một số nội dung thay đổi như việc điều khiển đèn tín hiệu giao thông hiện đã chuyển từ Sở GTVT qua Công an TP phụ trách, nên các đơn vị cần phối hợp điều chỉnh linh hoạt, tránh bị động. TP HCM có mật độ xe rất lớn nhưng nguyên tắc là chúng ta phải chấp hành quy định. Vì vậy, các đơn vị cần tập trung tuyên truyền, kết hợp với các giải pháp tổ chức giao thông phù hợp để thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp Tết", ông Cường nói.

Ông Cường nhấn mạnh, mục tiêu năm nay là tiếp tục giảm số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông ít nhất 15% so với 2024; giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là các tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Liên quan lĩnh vực, hôm qua (13/1), đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT toàn quốc đang kiểm tra, rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Từ đó có cơ sở kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng, lỗi.

Trong quá trình vận hành, CSGT cũng sẽ điều chỉnh chu kỳ đèn phù hợp với tình hình từng địa bàn. Mục tiêu là bảo đảm cho người dân đi lại thông suốt; công tác xử lý vi phạm chính xác, đúng hành vi, người vi phạm "tâm phục, khẩu phục".

Trước đó, Cục CSGT (Bộ Công an) và Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã bàn giao một số nhiệm vụ thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về nguyên tắc, CSGT sẽ có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền vận hành, khai thác, sử dụng, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông nhằm phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, phòng ngừa giải quyết ùn tắc.

Đối với cơ sở vật chất, hạ tầng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, trung tâm đèn tín hiệu giao thông, công tác quản lý, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, chia sẻ dữ liệu hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tiếp tục được quản lý bởi các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT.

Lực lượng CSGT sẽ theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động của đèn tín hiệu giao thông để báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bảo dưỡng, thay thế kịp thời khi phát hiện hư hỏng. Từ đó, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, liên tục, tránh gây oan sai khi xử phạt liên quan đến việc chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu; không xử phạt các tình huống không rõ ràng hoặc có sự cố trong hệ thống đèn tín hiệu.

Với phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp CSGT tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý. Đồng thời hình ảnh, clip của người vi phạm từ trung tâm sẽ được gửi tới lực lượng tại chốt, từ đó thông báo cho người vi phạm.

Với trường hợp “phạt nguội”, lực lượng chức năng sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản.

Đọc thêm