Xây dựng văn hóa giao thông: Ngăn chặn tình trạng lấn làn, vượt ẩu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hành vi lấn làn, vượt ẩu của một bộ phận tài xế khiến nhiều người bức xúc bởi không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn là một hành vi thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của bản thân và những người xung quanh.
Hình ảnh xe bồn chạy lấn làn gây tai nạn chết người tại quận 7, TP HCM. (Nguồn: cắt từ clip)
Hình ảnh xe bồn chạy lấn làn gây tai nạn chết người tại quận 7, TP HCM. (Nguồn: cắt từ clip)

Hệ lụy kinh hoàng

Mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền đoạn video ghi lại một vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM), khiến một tài xế công nghệ tử vong. Theo thông tin từ Công an quận 7 và Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Nam Sài Gòn (thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM), vào khoảng 16h ngày 6/1/2025, một xe bồn đang lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát, theo hướng từ quận 7 về huyện Nhà Bè, đã xảy ra va chạm với một xe máy điện tại giao lộ Huỳnh Tấn Phát - hẻm 710. Vụ va chạm làm nam tài xế công nghệ ngã xuống đường, không may bị bánh xe bồn cán qua người, dẫn đến tử vong tại chỗ.

Đáng chú ý, trong đoạn video có ghi lại hình ảnh xe bồn lách qua bên phải để vượt một ô tô lưu thông cùng chiều, từ đó mới dẫn đến va chạm từ phía sau với xe máy điện đang đi sát lề đường. Hành vi lấn làn, vượt ẩu của tài xế xe bồn nhanh chóng nhận được sự chỉ trích của cộng đồng mạng.

Nhiều người bày tỏ phẫn nộ cho rằng đây không chỉ là hành vi vi phạm luật giao thông mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của bản thân và những người xung quanh: “Qua video, có thể thấy rõ đường Huỳnh Tấn Phát rất rộng với 4 làn xe, mật độ phương tiện thời điểm đó khá thưa thớt. Thế nhưng, tài xế xe bồn vẫn cố tình cướp hết phần đường và gây tai nạn. Đây là hành vi không thể chấp nhận và cần bị lên án mạnh mẽ”, theo anh N.Đạt (30 tuổi, Hải Phòng).

Thực tế cho thấy, mỗi năm cả nước ghi nhận vô số vụ tai nạn giao thông bắt nguồn từ hành vi lấn làn, vượt ẩu của các tài xế. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, với mức độ nguy hiểm vượt trội so với những hành vi vi phạm khác như chuyển hướng sai quy định, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông hay đi ngược chiều.

Theo thống kê từ Cục CSGT, Bộ Công an, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến 9.954 người tử vong và 16.044 người bị thương. Đáng chú ý, có 3.065 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, dẫn đến 1.423 người thiệt mạng và 2.764 người bị thương.

Cần có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe

Từ lâu, hành vi lấn làn, vượt ẩu vốn không còn xa lạ khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Thậm chí, đây còn được coi như một “căn bệnh” khó chữa và trở thành thói quen khó bỏ của không ít tài xế. Tình trạng này diễn ra trên tất cả các cung đường, từ đô thị đến nông thôn, từ các tuyến đường nội đô, quốc lộ cho đến đường cao tốc. Mặc dù biết rõ nguy hiểm, một số tài xế vẫn bất chấp biến các cung đường thành những “con đường tử thần”, còn bản thân thành “hung thần xa lộ”.

Bàn về nguyên nhân vì sao một số tài xế cố ý, liên tục đi sai phần đường, làn đường, vượt sai quy định, TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng nhận định, do những tài xế này có nhận thức văn hoá giao thông yếu kém. Trong quá trình được đào tạo lái xe, một số tài xế này chỉ chú trọng về kỹ năng, kinh nghiệm mà ít chú trọng đến văn hoá, hành vi ứng xử khi tham gia giao thông.

Trước tình trạng đáng báo động về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, cũng như văn hoá, đạo đức của một bộ phận tài xế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe trước những hành vi vi phạm. Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt mới đối với vi phạm giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Một trong những điểm nổi bật là xử phạt lỗi lấn làn, không đi đúng phần đường và lỗi vượt xe không đúng quy định.

Theo đó, quy định mức phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều). Ngoài ra, người vi phạm bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe. Nếu gây tai nạn khi đang điều khiển ô tô đi không đúng làn đường mà gây tai nạn thì tài xế sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 22 triệu đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Lỗi vượt xe không đúng quy định cũng có mức phạt tương tự từ 4 triệu đến 6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe nếu người điều khiển ô tô vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có tín hiệu trước khi vượt hoặc có tín hiệu vượt xe nhưng không sử dụng trong suốt quá trình vượt xe; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 22 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe nếu vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông.

Sự thay đổi trong mức phạt của Nghị định 168/2024/NĐ-CP được đánh giá là một bước đi quan trọng trong việc thắt chặt kỷ cương giao thông, góp phần bảo vệ an toàn cho những người tham gia giao thông. Đồng thời, đây cũng là một biện pháp mạnh mẽ giúp thay đổi những “căn bệnh”, thói quen xấu như lấn làn, vượt ẩu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng pháp luật chỉ là công cụ giúp điều chỉnh hành vi, yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, bên cạnh việc tăng mức xử phạt, cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật khi điều khiển phương tiện, hãy nói “không” với những hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông.

Đọc thêm