TP Hồ Chí Minh: Bịa chuyện “góp vốn lập ngân hàng” để lừa hàng trăm tỷ đồng

(PLVN) - TAND TP HCM vừa đưa Phùng Thị Nghệ (38 tuổi, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong số các bị hại của Nghệ, có hai nữ “đại gia” (tên của các nạn nhân đã được thay đổi - NV) khu Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Đối tượng Nghệ khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Theo cáo trạng, cuối năm 2018, chồng bà Loan quen biết chồng Nghệ trong những lần đi chơi golf . Vợ chồng Nghệ sau đó thường xuyên đi ăn uống với gia đình bà Loan. Nghệ giới thiệu là chủ tịch tập đoàn chuyên kinh doanh xăng dầu và có Cty thu đổi ngoại tệ.

Nghệ từng có thời gian làm việc tại ngân hàng, sau đó nghỉ kinh doanh tự do về bất động sản và xe hơi. Năm 2018, Nghệ thành lập Cty Money Exchange, thực hiện thủ tục xin mở quầy thu đổi ngoại tệ tại các trung tâm thương mại nhưng để em trai đứng tên (người đại diện theo pháp luật).

Nghệ mượn tiền người thân, ngân hàng mua nhiều bất động sản tại khu Phú Mỹ Hưng, và nhiều ô tô đắt tiền như Mercedes G63, Maybach S560, Range Rover... nhằm xây dựng hình ảnh “doanh nhân thành đạt”. Nghệ cũng thường khoe có nhiều cây xăng, quầy thu đổi ngoại tệ, nhiều mối quan hệ xã hội, đang làm hồ sơ lập ngân hàng tư nhân.

Giữa 2019, Nghệ đề nghị bà Loan hợp tác kinh doanh theo hình thức góp vốn theo từng "lô hàng", chia lợi nhuận từng đợt sau khi bán hết. Theo cáo trạng, Nghệ không kinh doanh xăng dầu nhưng nhiều lần nhắn tin cho bà Loan nội dung "Hôm nay chị cho em mượn 20 tỷ để thanh toán cho kịp tiến độ. Thứ Hai em bán được ít hàng rồi chị lấy lại bao nhiêu em gửi lại", "Em tính đơn giản một lít lời 3.000 đồng thì một tháng mình lời 5,7 tỷ, gần hai năm là thu hồi vốn 120 tỷ"...

Bà Loan tin tưởng, nhiều lần chuyển cho Nghệ hơn 176 tỷ đồng. Nghệ chuyển lại 85,6 tỷ đồng, còn hơn 90 tỷ nợ gốc và hơn 31 tỷ tiền “lợi nhuận kinh doanh” Nghệ cam kết nhưng chưa trả.

Đến tháng 3/2020, Nghệ tiếp tục có giấy phép kinh doanh ngoại hối tại các trung tâm thương mại lớn ở TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và có mối bán USD giá rẻ cần vốn để mua, sau đó bán lại. Nghệ nhắn "chị em mình mua được giá 22,2, lấy theo tỷ giá hôm nay bán ra được 23,63... Em tính sơ sơ là lời được 1 tỷ 430 triệu, chị em mình chia 3...". Tổng số tiền bà Loan đã chuyển cho Nghệ để kinh doanh ngoại hối là hơn 180 tỷ đồng. Nghệ đã chuyển lại hơn 109 tỷ, còn nợ hơn 71 tỷ.

Tháng 6/2020, Nghệ tiếp tục nói với bà Loan đang xin cấp phép thành lập ngân hàng kinh doanh ngoại hối và đang cần huy động khoảng 3.000 tỷ đồng để chứng minh năng lực tài chính. Nghệ đề nghị bà Loan tham gia, hứa sẽ để đứng tên cổ đông góp vốn ngân hàng sau khi thành lập. Số tiền bà Loan góp vốn kinh doanh xăng dầu và ngoại hối, Nghệ sẽ dùng để ký quỹ thành lập ngân hàng. Tin tưởng, bà Loan tiếp tục nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản chồng và nhân viên Nghệ.

Nghệ sau đó báo cho bà Loan biết đã góp đủ 3.000 tỷ ký quỹ và số tiền này sẽ được giữ lại trong một thời gian, khi nào lấy về được sẽ trả lại. Đầu 2021, Nghệ thông báo đã được giải ngân số tiền 3.000 tỷ đồng ký quỹ và gửi hình ảnh 10 giấy "yêu cầu chuyển tiền" với nội dung mỗi giấy chuyển vào tài khoản của chồng Nghệ 300 tỷ đồng. Nghệ cam kết khi chồng mình nhận được tiền sẽ trả bà Loan. Thực tế, các giấy này không có thật, cũng không có giao dịch nào phát sinh số tiền nói trên vào tài khoản ngân hàng vợ chồng Nghệ.

Do không thấy Nghệ hoàn trả tiền, bà Loan đề nghị xác nhận công nợ. Vợ chồng Nghệ sau đó lập 2 hợp đồng vay tiền của bà Loan gồm 225,6 tỷ đồng nợ gốc; 880.000 USD và hơn 172 tỷ đồng lợi nhuận. Hai bên lập vi bằng xác nhận Nghệ nợ bà Loan tổng cộng 397,6 tỷ đồng và 880.000 USD. Tháng 4/2021, Nghệ không còn khả năng trả nợ, các tài khoản ngân hàng của Nghệ nhiều nhất chỉ còn vài triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định, tổng cộng Nghệ đã nhận của bà Loan hơn 606 tỷ đồng, nhiều lần chuyển trả hơn 443 tỷ, còn hơn 162 tỷ chưa trả. Bà Loan còn cho rằng đã đưa cho Nghệ hơn 24 tỷ đồng tiền mặt không có biên nhận. Bà chưa nhận được khoản tiền lãi nào từ Nghệ.

Cuối 2019, bà Loan còn giới thiệu một người bạn làm ăn, cũng ngụ Phú Mỹ Hưng, cùng “góp vốn” với Nghệ. Với cách thức tương tự, Nghệ nhận tổng cộng của bạn bà Loan hơn 601 tỷ đồng, đã chuyển trả hơn 416 tỷ, còn 185 tỷ. Sau khi cấn trừ số tiền liên quan đến quan hệ giao dịch mua bán căn biệt thự tại Phú Mỹ Hưng, Nghệ còn thiếu 159 tỷ. Để có tiền đưa Nghệ, bạn bà Loan còn phải huy động thêm của người thân, bạn bè.

Ngoài chiếm đoạt tiền của hai người trên, Nghệ còn bị nhiều người tố cáo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng. Do đã hết thời hạn điều tra, hành vi này được Công an TP tách ra xử lý ở giai đoạn hai của vụ án.

Quá trình điều tra, Nghệ khai, từ cuối 2019 đến đầu 2020, việc kinh doanh không hiệu quả do ảnh hưởng Covid-19, phải trả tiền mặt bằng, lương nhân viên, trả lãi ngân hàng. Ngoài ra, số tiền Nghệ vay đã đầu tư vào ngân hàng số, mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch quốc tế, bị hacker lấy mất tài khoản có giá trị hàng chục triệu USD. CQĐT xác định đây chỉ là lời khai một phía của Nghệ, không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh.

Cáo trạng xác định, để có tiền trả nợ, Nghệ huy động tiền của nhiều người bằng cách đưa ra các thông tin gian dối như góp vốn kinh doanh xăng dầu, mua bán USD, góp vốn thành lập ngân hàng, làm đáo hạn ngân hàng, lập quỹ tín dụng... và hứa trả lợi nhuận cao nhưng sau đó không trả.

Tại phiên xử mới đây, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa do 3 luật sư bào chữa cho Nghệ vắng mặt.

Đọc thêm