Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số doanh nghiệp (DN) chế biến lương thực, thực phẩm, thương mại điện tử trên địa bàn TP HCM.
Không để nguồn nguyên liệu “bị đứt gãy”
Theo đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) (phường 13, quận Bình Thạnh) và Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) bày tỏ khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu đang “bị đứt gãy”, do tác động của dịch COVID-19 cũng như thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Theo đó, những DN này đều phải giảm số lượng lao động nên công suất giảm, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao; thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu nên các đơn hàng bị xử lý chậm. Trong khi đó, thời gian áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm lý của công nhân, người lao động…
Để bảo đảm chuỗi cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian này, các DN đề nghị TP HCM ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm; người lao động sau khi hoàn thành cách ly tập trung được quay trở lại làm việc dưới sự giám sát của DN và cơ quan y tế; tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm từ 18h đến 6h sáng hôm sau…
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế nghiên cứu xem xét kiến nghị của Bộ GTVT về việc ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế vận chuyển hàng hóa, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao GTVT tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Công Thương, Công an, NN&PTNT và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch COVID-19…
Sau khi nghe phản ánh, Phó Thủ tướng cho biết, không chỉ các DN như Vissan, Vifon, ông nhận được rất nhiều phản ánh của các DN chế biến lương thực, thực phẩm về việc phải giảm công suất hoạt động trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng rất cao. Để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất liên tục, an toàn, Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP HCM khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động tại những DN sản xuất quan trọng.
Chia sẻ với những khó khăn của DN, người lao động khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong một thời gian dài, Phó Thủ tướng gợi ý việc phân chia ca, kíp, nhóm sản xuất theo khu vực cư trú của người lao động, đặc biệt phải nắm sát công nhân ở “vùng xanh”, “vùng đỏ”; tìm kiếm những khu nhà trọ để làm ký túc xá DN, tổ chức đưa đón an toàn cho người lao động từ nơi ở đến nơi sản xuất…
Tại buổi làm việc, trao đổi về những kiến nghị cụ thể của DN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP HCM phải phòng, chống dịch trong thời gian dài, do đó, có một số giải pháp chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, còn về lâu dài, không thể áp dụng các giải pháp giống nhau cho cả TP, ngay trong lực lượng chống dịch cũng như các ngành sản xuất khác nhau…
Phó Thủ tướng cho rằng, các kiến nghị của DN không trái với chủ trương của Chính phủ, của TP HCM nhưng lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành cần theo rất sát, tháo gỡ rất cụ thể cho DN trong thời gian nhanh nhất…
Vẫn là bài toán về nhân lực chống dịch
“Càng ngày càng đông người cần điều trị, chuyển nặng và nặng hơn, trong khi trang thiết bị, nhân lực có giới hạn, tạo ra áp lực rất lớn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trong một tháng qua, TP HCM đã huy động mọi nguồn lực y tế từ công lập tới tư nhân, tình nguyện viên. Nếu coi mặt trận chống dịch tại TP HCM là một “chiến trường” thì rất nhiều địa bàn tại đây vẫn đang thiếu “chiến sĩ”. Nhu cầu nhân lực y tế cần bổ sung của TP là hơn 12.000 người. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi viện từ Trung ương phải phân cho nhiều địa phương phía Nam, TP HCM phải tận dụng triệt để nguồn lực tại chỗ để vượt qua khó khăn.
Đơn cử là quận 11 đang “thiếu trầm trọng” nhân lực. Theo danh sách, quận 11 được chi viện 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng - bằng đúng một nửa nhu cầu 15 nhân viên y tế để chăm sóc cho 2 cơ sở cách ly với quy mô 470 giường. Tuy nhiên, quận mới chỉ tiếp nhận 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Hiện quận vẫn phải tiếp tục tự xoay xở dựa trên số nhân lực hiện có.
Tuần trước, Trung tâm cấp cứu 115 chỉ có 23 xe cấp cứu chạy toàn TP. Lượng xe cấp cứu không đáp ứng được việc di chuyển hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Đến nay, số xe cấp cứu đã tăng lên 100, cùng với 226 chiếc hoán cải từ xe 15 chỗ được phân bổ dần về các địa phương. Tuy nhiên, với số ca nhiễm ở mức 3.000-4.000/ngày vẫn là thách thức đối với ngành Y tế TP…
TP HCM tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho người lao động tự do theo Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM. Thời gian hỗ trợ là 30 ngày, mức hỗ trợ 50.000 đồng/ngày và người lao động sẽ nhận một lần 1,5 triệu đồng/người. Số lao động dự kiến được hỗ trợ là gần 334.200 người. Dự kiến, nguồn kinh phí hỗ trợ là hơn 501 tỷ đồng, từ ngân sách TP HCM.
Trong đợt này, TP HCM có chính sách hỗ trợ hộ nghèo (gần 52.600 hộ), hộ cận nghèo (hơn 38.000 hộ), hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa (gần 175.500 hộ)… gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Mức hỗ trợ trực tiếp là 1 lần với số tiền 1,5 triệu đồng/hộ. Trong đó, ngân sách TP HCM hỗ trợ 1 triệu đồng và 500.000 đồng từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa. Dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 399 tỷ đồng. Như vậy, tổng quy mô gói hỗ trợ lần 2 là gần 900 tỷ đồng.