TP Hồ Chí Minh: Đầu tàu triển khai tín dụng chính sách xã hội

(PLVN) - Còn nửa tháng nữa, cánh cửa năm 2024 mới mở ra. Song những ngày này không khí xuân mới đang rộn rã trong mỗi cán bộ, người lao động chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hồ Chí Minh khi cách đây ít ngày, chi nhánh trở thành đơn vị chính thức cán mốc dư nợ 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng tăng 34,8% so với năm 2022.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng làm việc với tập thể cán bộ, người lao động chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh vào chiều ngày 16/12.

Sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tỷ lệ thuận với hiệu quả thực thi tín dụng chính sách trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Khi địa phương “xắn tay” làm cùng Trung ương

Báo cáo Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trong buổi làm việc và chúc quyết toán năm 2023, ông Trần Văn Tiên - Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh cho biết 11 tháng qua, chi nhánh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc, Ban Thường vụ Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố và Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) chi nhánh NHCSXH thành phố; tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, cấp uỷ, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung triển khai các mặt hoạt động, góp phần tích cực phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh, Trần Văn Tiên báo cáo tại buổi làm việc

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn biến động khó lường vẫn đang tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Thậm chí đẩy lùi những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, chi nhánh tiếp tục tham mưu cho Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND thành phố cùng cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ người nghèo thành phố có thêm cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập.

Kết quả là nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng hơn 2.857 tỷ đồng so với đầu năm 2023, đạt 6.577 tỷ đồng và tăng trên 6.259 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014 (thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng), chiếm tỷ lệ 58,8% tổng nguồn vốn, hoàn thành 571,5% kế hoạch giao tăng trưởng năm 2023.

Những con số ấn tượng này đã đưa TP Hồ Chí Minh trở thành địa phương dẫn đầu về tổng nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách xã hội với hơn 11.188 tỷ đồng, tăng 3.077 tỷ đồng so với đầu năm 2023.

Đây là nền tảng để chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cho hơn 82.000 lượt hộ được vay vốn với doanh số cho vay đạt 5.186 tỷ đồng trong 11 tháng qua. Những con số biết nói này cũng đã và đang góp phần mở rộng độ phủ tín dụng trên địa bàn thành phố đến hơn 180.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 10.031 tỷ đồng, tăng 2.594 tỷ đồng (+34,8%) so với năm 2022.

Toàn cảnh buổi làm việc

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tổng Giám đốc NHCSXH và UBND TP Hồ Chí Minh, chi nhánh đã tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi và kịp thời hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.

Đến cuối tháng 10/2023 (thời điểm kết thúc hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) toàn chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 84,3 tỷ đồng cho 91.575 khách hàng (trong đó, số tiền đã hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 là 20 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất trong 10 tháng của năm 2023 là gần 64,3 tỷ đồng). Các khách hàng vay vốn có đủ điều kiện đều được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo khách quan, minh bạch, không bị lợi dụng và trục lợi chính sách.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và các thành viên đoàn công tác Trung ương chúc tập thể chi nhánh TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quyết toán năm 2023

Với các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh đã giải ngân cho 4.013 lượt khách hàng, với số tiền hơn 215 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân 3.125 món vay, số tiền là 150 tỷ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch giao) với 3.125 khách hàng vay vốn. Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến đã giải ngân 13 hộ vay/14 học sinh, sinh viên, với số tiền 140 triệu đồng để trang bị máy tính phục vụ học tập trực tuyến cho 14 học sinh. Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân số tiền 9,1 tỷ đồng với 17 khách hàng vay. Dư nợ của chương trình đạt 116 tỷ đồng với 296 khách hàng đang vay vốn. Chương trình cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập đã giải ngân 182 khách hàng với số tiền 15,2 tỷ đồng. Dư nợ của chương trình đến nay là 9,3 tỷ đồng với 168 khách hàng đang vay vốn.

Về chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh hiện có 21.237 người chấp hành xong án phạt tù đã trở về địa phương và cư trú trên địa bàn. Tổng hợp kết quả từ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nhu cầu vay vốn từ chương trình đến cuối năm 2023 là hơn 7,8 tỷ đồng và trong giai đoạn 2024 - 2026 là khoảng 23 tỷ đồng. Đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho 7 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền là 600 triệu đồng. Dự kiến đến hết năm 2023 chi nhánh sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu Trung ương giao (4,2 tỷ đồng).

Có thể nói, từ việc sử dụng nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách ở đô thị, đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội.

Việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà ở ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) vay 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH để trồng hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Tiếp tục phát huy và tạo đột phá mới

Phát biểu tại buổi làm việc, động viên quyết toán cuối năm, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cao của toàn thể cán bộ, người lao động chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc trọng trách nhiệm vụ mà Chính phủ, NHCSXH và thành phố giao trong năm 2023.

Những phương thức, cách làm sáng tạo và sự quyết tâm của tập thể cán bộ, người lao động trong chi nhánh đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hình mẫu cho các đơn vị khác trong cả nước học hỏi, nhân rộng toàn quốc.

Nhìn về định hướng phát triển giai đoạn tới, Tổng Giám đốc cho biết TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có quy mô kinh tế, dân số lớn nhất cả nước và là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, cả nước nói chung, luôn đóng góp trên 1/5 GDP và trên 1/4 thu ngân sách cho ngân sách quốc gia hằng năm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng những biến động khó lường từ tình hình kinh tế thế giới cũng sẽ tác động gây ra những mặt hạn chế với phát triển kinh tế của thành phố như việc phân hóa giàu nghèo; vấn nạn thất nghiệp, việc làm; đời sống của người dân nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế của thành phố gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì vị thế đầu tầu kinh tế và hội nhập quốc tế, Tổng Giám đốc nhấn mạnh trước hết tập thể lãnh đạo chủ chốt chi nhánh phải đoàn kết, tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục có những đột phá, sáng tạo mới trong việc triển khai tín dụng chính sách trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng chính sách tại xã An Phú Tây

Trong đó, Tổng Giám đốc đề nghị Ban lãnh đạo chi nhánh cần tiếp tục chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành văn bản chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục lãnh đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06/KL-TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố giao mức phí quản lý nhận uỷ thác cho vay nguồn vốn địa phương giai đoạn 2022 - 2024.

Về hoạt động chuyên môn, Tổng Giám đốc yêu cầu toàn thể cán bộ, người lao động chi nhánh tập trung đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng Trung ương giao. Đảm bảo cho vay đúng đối tượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động tại thành phố. Thực hiện tốt thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng. Song song đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, tổ chức và thực hiện tốt các phiên giao dịch định kỳ hằng tháng tại trụ sở UBND phường, xã đảm bảo hiệu quả, an toàn; đặc biệt phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn nữa, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, xứng tầm là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu!

Bài và ảnh Việt Hải

Đọc thêm