TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ nhóm nguy cơ với COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (6/12), TP HCM ghi nhận 94 bệnh nhân COVID-19 tử vong và đây là con số cao nhất trong hai tháng tính từ ngày 5/10. Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM công bố tại buổi họp về công tác chống dịch trên địa bàn.
Nhóm người cao tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nền, những người chưa được tiêm mũi vaccine nào hoặc chưa đủ liều thuộc diện có nguy cơ nếu nhiễm Covid-19.
Nhóm người cao tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nền, những người chưa được tiêm mũi vaccine nào hoặc chưa đủ liều thuộc diện có nguy cơ nếu nhiễm Covid-19.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch chăm sóc, bảo vệ nhóm nguy cơ

Theo ông Hải, số ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn xu hướng tăng trở lại trong một tháng gần đây. Tháng 10 khi TP ngưng giãn cách và bắt đầu "mở cửa" trở lại, số ca tử vong giảm dần từ ba con số xuống 2 con số và có ngày chỉ ghi nhận 21 ca (30/10). Hai tuần gần đây, số bệnh nhân tử vong tăng dần ở mức trung bình 60-70 ca mỗi ngày.

Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết các ca tử vong thời gian qua chủ yếu rơi vào nhóm người cao tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nền, những người chưa được tiêm mũi vaccine nào hoặc tiêm chưa đủ liều. Từ đó, Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch chăm sóc, bảo vệ nhóm nguy cơ.

Theo kế hoạch này, danh sách những người trên 65 tuổi, bệnh nền sẽ được rà soát để nắm lại từng hộ, từng người trên địa bàn. Các cơ sở y tế địa phương sẽ theo dõi sát từng trường hợp, đến nhà làm xét nghiệm, tư vấn sức khỏe... Quá trình khám sàng lọc, các F0 sẽ được chăm sóc tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc vào bệnh viện.

"Chiến dịch này triển khai rất mạnh trên toàn địa bàn trong một tháng tới và sẽ duy trì suốt năm 2022, làm sao để toàn bộ những người nguy cơ được chăm sóc chu đáo", bà Mai nói và cho hay với cách làm này, TP hy vọng sẽ giảm sâu được tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, trước tình hình số F0 tăng, ca tử vong không giảm, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc thu dung, điều trị các ca mắc COVID-19. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Sở Y tế, các BV không phải điều trị COVID -19 đang thực hiện tái cấu trúc.

Cụ thể, các BV có khoa khám sàng lọc và khu vực cách ly tạm thời thì khu vực này sẽ trở thành nơi điều trị COVID-19, tránh phải di chuyển bệnh nhân. Các BV có chuyên khoa Nhi hay Sản cũng sẽ thành lập đơn vị hồi sức COVID-19 kịp thời cứu chữa, điều trị bệnh nhân nặng.

Với các BV trước đây đã chuyển đổi toàn bộ sang điều trị COVID-19 như BV Bệnh Nhiệt đới, BV Trưng Vương, An Bình hay Củ Chi sẽ giữ nguyên công năng. Các BV tách đôi sẽ tiếp tục tách đôi.

Đến nay, TP đã giải thể 8, còn giữ lại 13 BV dã chiến. Ngành Y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này, đủ điều kiện thành BV 3 tầng nhằm điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống.

Về tăng cường hệ thống y tế cơ sở, hiện TP có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động. Trong số trạm y tế lưu động, quân y phụ trách 168 trạm, TP lập 214 trạm nhằm hỗ trợ kịp thời F0 đang điều trị, cách ly tại nhà.

Đề phòng trường hợp có biến chủng Omicron

BS Mai cho biết, với BV dã chiến số 12, đặt tại Thủ Đức được dành riêng để thu dung, điều trị những F0 nhiễm biến chủng Omicron, mặc dù hiện TP chưa ghi nhận ca nào.

Các khu nhà biệt lập trong BV sẽ thuận tiện để phân loại, sàng lọc từng nhóm đối tượng, như người nghi ngờ mắc bệnh và người dương tính, nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, từ đó khống chế biến chủng Omicron lây lan ra các BV, khu vực khác trong TP. Các y, bác sĩ sẽ được điều động đến đây tùy theo tình hình F0 nhiễm biến chủng mới ra tăng cụ thể như thế nào.

Bà Mai cho hay, Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh TP và Công an TP đang xây dựng một "thế trận y tế", nhằm tác chiến phối hợp, nhận diện từ xa, dập dịch nhanh chóng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, PGĐ phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết, TP chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng COVID-19 mới Omicron. Tuy nhiên, biến chủng này có tỷ lệ lây lan gấp 5 lần so với các biến chủng COVID-19 khác. HCDC đã tham mưu cho Sở Y tế lên kịch bản đối phó với biến chủng mới.

Giải pháp đầu tiên là siết chặt các đường biên giới, sân bay, cảng biển, ngăn chặn Omicron xâm nhập. Người nhập cảnh chính thức vào TP từ sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine và âm tính với COVID-19 sẽ phải cách ly đủ 14 ngày (gồm 7 ngày cách ly tập trung, 7 ngày cách ly tại nhà), chỉ hết cách ly khi xét nghiệm tiếp tục âm tính. Người nhập cảnh qua cảng Sài Gòn nếu không lên bờ sẽ phải cách ly tuyệt đối tại tàu cho đến khi tàu rời đi.

Người nhập cảnh được lấy mẫu xét nghiệm ngay từ ngày đầu tiên cách ly tập trung. Những mẫu này nếu dương tính sẽ được giải trình tự gene virus để xem họ có nhiễm biến chủng Omicron.

Người từ Campuchia nhập cảnh qua đường bộ Tây Ninh, Long An hoặc từ biên giới phía Bắc nhập cảnh trái phép vào TP HCM, sẽ được y tế và công an rà soát, giám sát, theo dõi và đưa đi cách ly tập trung; giải trình tự gene virus.

Để kiểm soát dịch nội địa, ngành Y tế triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba cho hai nhóm, gồm tiêm bổ sung cho người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền vào ngày thứ 28 sau mũi tiêm thứ hai; tiêm nhắc lại sau 6 tháng cho người đã tiêm đủ hai mũi.