TP Hồ Chí Minh: Hoạt động kiểm soát chưa tương xứng quy mô thị trường

(PLVN) - Một số nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng trên đã được lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ ra khi giải thích về những tồn tại trong công tác kiểm soát thị trường ở một địa bàn có hoạt động thương mại nhộn nhịp và lớn nhất nước. 
Chưa nắm bắt quy luật của các đối tượng buôn bán hàng nhập lậu là  một nguyên nhân dẫn tới việc không bao quát được thị trường. Ảnh minh họa
Chưa nắm bắt quy luật của các đối tượng buôn bán hàng nhập lậu là một nguyên nhân dẫn tới việc không bao quát được thị trường. Ảnh minh họa

Hàng giả có “đất sống” vì hành vi tiêu dùng

Thông tin về hoạt động của Cục QLTT TP HCM cho thấy, 7 tháng qua, Cục đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành 4.887 vụ, tăng 2.078 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng số vụ vi phạm chuyên ngành 2.795 vụ, tăng 54 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 54 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 9,6 tỷ đồng; Đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 11 vụ với tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng hơn 10,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo về hoạt động kiểm soát thị trường cũng cho thấy, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác QLTT tại TP lớn nhất nước còn nhiều hạn chế như công tác quản lý địa bàn của các đội QLTT chưa theo kịp hoạt động tinh vi của đối tượng kinh doanh, chưa nắm rõ các địa bàn trọng điểm để kịp thời kiểm tra, xử lý; Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, bổ nhiệm công chức chưa hoàn thiện; Công tác kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường nhưng chưa quyết liệt và đồng bộ.

Các hạn chế được đại diện Cục QLTT TP HCM lý giải do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Trong đó, có thể kể đến nguyên nhân khách quan như cùng với sự phát triển của nền tảng công nghệ thông tin, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát huy thế mạnh và trở thành xu thế dẫn đầu trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, song song với những thành tựu do TMĐT mang lại thì TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc quản lý kinh doanh hàng hóa qua mạng. 

Đây chính là kênh phân phối cho nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn được đặt mua chủ yếu từ Trung Quốc dựa trên nhu cầu của thị trường. Người bán hàng qua mạng không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa mà chỉ khi nhận được đơn đặt hàng từ người tiêu dùng mới bắt đầu tiến hành lấy hàng từ nhiều nơi khác nhau do đó gây khó khăn cho công tác trinh sát đối tượng. Hình thức kinh doanh này cũng tạo cơ hội cho hàng kém chất lượng được dễ dàng tung ra thị trường. 

Tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả chưa được đẩy lùi mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lợi nhuận cao nên người sản xuất, kinh doanh không từ bỏ. Bên cạnh đó một bộ phận người tiêu dùng có khuynh hướng chuộng hàng thương hiệu giá rẻ góp phần tạo điều kiện cho hàng giả có một chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Người đứng đầu đơn vị chưa quyết tâm

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh thẳng thắn thừa nhận, còn nhiều nguyên nhân chủ quan khiến cho hoạt động kiểm soát thị trường ở TP HCM chưa xứng tầm với quy mô thị trường. Các nguyên nhân chủ quan được nhắc đến như công tác quản lý địa bàn của các đội QLTT chưa đi vào chiều sâu, chưa đầu tư nghiên cứu nắm bắt quy luật của các đối tượng hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu và sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm..., việc triển khai thực hiện các kế hoạch trong thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên chưa được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc.

Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn về các mặt công tác đôi lúc chưa kịp thời; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả nên đã xảy ra nhiều trường hợp tái phạm trong kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và hàng hóa vi phạm về sở hữu công nghiệp. Thậm chí, người đứng đầu các đơn vị chưa thể hiện sự quyết tâm trong công tác kiểm soát hàng hóa khiến cho tình trạng tái diễn vi phạm vẫn xảy ra.

Ông Linh cũng cho rằng, công tác kiểm tra kiểm soát qua các trang mạng điện tử chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới xử lý phần lớn các trường hợp thiết lập website TMĐT bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; chưa khai thác được thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi cất giấu và trữ hàng hay đầu mối cung cấp hàng hóa. Ngoài ra, công tác phối hợp với lực lượng QLTT các tỉnh giáp ranh trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn, hoạt động mới của các loại tội phạm chưa thường xuyên, kịp thời.

Do đó, để hoạt động của Cục QLTT TP HCM hiệu quả hơn, theo ông Linh, thời gian tới, toàn bộ lực lượng cần nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Đặc biệt, cần chú trọng đến công tác phối hợp giữa các bên liên quan để hoạt động kiểm soát thị trường trở nên có chiều sâu và chủ động trên mọi mặt trận.

Đọc thêm