TP Hồ Chí Minh: Hoạt động nghệ thuật vẫn gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các đoàn làm phim đi quay trong “hồi hộp”, các điểm nghệ thuật chưa thể mở cửa và nhiều sân khấu bị trả lại vé là cảnh đang diễn ra trong làng giải trí TP Hồ Chí Minh, mặc dù cuộc sống đang trở lại bình thường.
Vở kịch “Ngày xửa ngày xưa” làm nên thương hiệu của sân khấu Idecaf bị trả vé do dịch diễn biến phức tạp.
Vở kịch “Ngày xửa ngày xưa” làm nên thương hiệu của sân khấu Idecaf bị trả vé do dịch diễn biến phức tạp.

Các đoàn làm phim “sống chung với dịch”

Mới đây, toàn bộ thành viên một đoàn quay chương trình gameshow đã phải dừng toàn bộ hoạt động quay, đưa cả đoàn đi test COVID-19 khi một thành viên trong đoàn có kết quả dương tính. Sau đó, vì một số thành viên trong đoàn cũng có kết quả dương tính, đoàn quay gameshow này đã phải tạm hoãn.

Theo thành viên đoàn làm phim, mọi người sẽ phải thực hiện công việc tại nhà, tuy nhiên những cảnh cần quay ngoài trời sẽ gặp khó, như vậy tiến độ sẽ phải đẩy lên gấp rút vào thời gian cả đoàn kết thúc cách ly.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng chia sẻ, đoàn làm phim “Nghề siêu dễ” thời gian qua có hai thành viên mắc COVID-19 gồm chủ nhiệm sản xuất và phó đạo diễn. Thành viên đoàn phim bị bệnh nên tiến độ đoàn phim bị ảnh hưởng, mọi người phải bù đắp bằng cách làm việc nhiều hơn. Trong thời gian cách ly tại nhà, hai thành viên mắc COVID-19 vẫn làm việc bình thường qua online. Hiện tại, những thành viên mắc COVID-19 đã hồi phục, quay lại đoàn phim và đoàn làm phim đã trở lại nhịp độ cũ.

Nhiều đoàn làm phim khác cũng chia sẻ kinh nghiệm quay phim “5K” và luôn trong tình trạng “sống chung với dịch”. Lê Tâm, đạo diễn MV ca nhạc cho biết, anh luôn có “kế hoạch B” phòng trường hợp đoàn có người bị mắc COVID-19, cả đoàn phải cách ly.

“Mặc dù tất cả thành viên đòan đều đã tiêm 2 mũi vaccine, nhưng thông thường đoàn làm phim quay nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất cao. Tuy nhiên, cả đoàn cũng xác định là phải quay lại cuộc sống bình thường, vẫn cần phải làm việc, ra sản phẩm, nên chấp nhận rủi ro”, đạo diễn chia sẻ.

Nhiều đoàn làm phim cho biết, các ekip đều sẵn sàng làm việc, mong có việc sau quãng thời gian phải “nằm nhà”, giảm lương, không có thu nhập. Ai cũng háo hức muốn được hoạt động nghệ thuật trở lại. Tuy nhiên, thống kê không chính xác cho thấy, hiện mật độ hoat động nghệ thuật của các đoàn làm phim từ điện ảnh, gameshow cho đến ca nhạc chỉ mới ở tầm 30% công suất. Nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn về tài chính, hoặc vẫn đang “án binh bất động” chờ tình hình ổn định trở lại mới dám tiếp tục đầu tư vì sợ rủi ro.

Sân khấu kịch “kêu cứu”

Nhiều tháng trời vừa qua, sân khấu ở TP HCM luôn ở tình trạng “tắt đèn”. Khi thành phố trở lại nhịp sống bình thường, nhiều sân khấu đã háo hức chuẩn bị cho ngày “tái xuất”. Tuy nhiên, thực tế lại khó khăn hơn dự tính.

Chẳng hạn như Sân khấu kịch Idecaf thời gian qua chuẩn bị diễn lại vở kịch ăn khách “Ngày xửa ngày xưa”. May mắn là lượng vé bán ra nhiều, do khán giả háo hức được đi xem kịch trở lại. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, vở diễn đành tạm hoãn, khán giả trả lại vé. Đại diện Idecaf lo lắng nếu gián đoạn quá lâu, sợ rằng vở kịch sẽ mất đi độ nóng và nếu thương hiệu kịch thiếu nhi này dần không còn vị trí trong lòng khán giả thì sân khấu sẽ rơi vào cảnh khó khăn, vì mảng kịch thiếu nhi là thế mạnh, Idecaf dùng để “bù lỗ” cho các chương trình khác.

Tương tự, sân khấu kịch Hồng Vân cũng đang lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Hiện, sân khấu vẫn chưa dám bắt tay vào dựng kịch bởi lo ngại dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không dựng kịch thì cả ekip sẽ “thất nghiệp dài hạn”.

Có hàng loạt chương trình từ tư nhân đến công lập cũng rơi vào tình trạng chưa biết thế nào, hoặc hoãn vở vô thời hạn. Có thể kể đến “Làn điệu phương Nam” và “Cầu vồng tuổi thơ” của Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM; chương trình nghệ thuật xiếc - rối “Huyền thoại Ba Tư”, “Mê Kông show” của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam; chương trình giới thiệu hát bội cuối tuần tại Thảo Cầm Viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM; chuyên đề sân khấu “Người đưa đò” của Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Linh; chuyên đề “Ba thế hệ về lại cội nguồn” của Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long; chương trình kịch ngắn mang tính thời sự và chương trình kịch “Cổ tích dành cho thiếu nhi” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ; “Sân khấu Vàng” của Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương - Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy; sân khấu tuồng cổ với dòng tuồng lịch sử của Đoàn Nghệ thuật Tuồng cổ Huỳnh Long…

Dịch bệnh đã “kéo lùi” sự phát triển của nhiều lĩnh vực giải trí nghệ thuật. Với lĩnh vực sân khấu là mối lo mất khán giả, lo khó “tái xuất” do sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với thay đổi thói quen thưởng thức. Các nhà làm phim, các sân khấu khó lòng tự thân xoay xở để vượt khó. Tất cả vẫn trông chờ vào những đề án hỗ trợ, vực dậy từ phía các cơ quan quản lý.