TP Hồ Chí Minh: Hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án “chống ngập”, cần được hỗ trợ

(PLVN) - Nhiều dự án nâng đường chống ngập, cải tạo lại đường… tại TP HCM phần nào giải quyết được vấn đề giao thông, đi lại. Nhưng bên cạnh đó, một số dự án còn  khiến cho nhiều nhà dân bỗng biến thành… hang và phải ra- vào bằng thang, khiến người dân hết sức khổ sở. Sở Xây dựng TP HCM đã kiến nghị UBND TP hỗ trợ những trường hợp này để họ cải tạo, sửa chữa nhà. 
Người dân khổ sở vì đường được nâng cao, nhà bị đẩy xuống thấp
Người dân khổ sở vì đường được nâng cao, nhà bị đẩy xuống thấp

Đường lên cao, nhà xuống thấp

Hiện nay, dạo quanh các cung đường tại TP HCM, không khó bắt gặp những đường hợp nhà dân thấp hơn mặt đường nửa mét, một mét. Đơn cử như nhà của anh Nguyễn Văn An trên đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức). Sau khi dự án làm đường hoàn thành, nhà anh đã phải bắc thang từ trong nhà để ra đường vì nền nhà và mặt đường chênh nhau cả mét. Không chỉ nền nhà thấp hơn mặt đường mà nhà anh còn xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên tường do ảnh hưởng bởi quá trình thi công dự án này. 

Còn đường Kinh Dương Vương (quận 5, quận 6) được thi công cải tạo hệ thống thoát nước đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc cũng để lại những hệ lụy. Một số đoạn trên đường đã được nâng nền, cải tạo khiến nhiều nhà dân thấp hơn mặt đường gần 2m. Người dân muốn đi ra vào phải bắc thang. Nhiều đoạn chưa được thi công nhưng đơn vị thi công quét vạch sơn trên tường thể hiện độ cao hơn nhà dân từ 1-1,5m. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. 

Các quận, huyện cho hay, khi các đường, hẻm được nâng cấp, vẫn còn có các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo chưa đủ điều kiện cải tạo nâng nền nhà cho bằng mặt đường dẫn đến chưa thể ổn định được cuộc sống. Theo số liệu thống kê từ các quận huyện, TP có khoảng 8.432 trường hợp bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng cấp đường giao thông cần được hỗ trợ. 

Đề xuất hai phương án hỗ trợ

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, qua tổng hợp số liệu từ các quận, huyện, Sở Xây dựng nhận thấy địa hình tự nhiên TP tương đối thấp, đặc biệt là vùng trung tâm. Dự án nâng cấp đường, hẻm đã làm tăng khả năng thoát nước, giảm ngập úng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống của người dân...

Tuy nhiên, cạnh đó, không ít người dân vẫn còn bị ảnh hưởng vì nhà chưa thể nâng lên cùng đường nên cần được hỗ trợ. Chỉ tính riêng các trường hợp thực sự cần hỗ trợ (hộ nghèo, hộ cận nghèo) đã lên đến 133 trường hợp với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là khoảng 4 tỉ đồng (tính trung bình mỗi quận khoảng 285 triệu đồng).

Sở Xây dựng cho hay, đơn vị thống nhất với ý kiến của các quận, huyện báo cáo UBND TP không ban hành chính sách hỗ trợ chung trên địa bàn thành phố. Đối với các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, quận, huyện sẽ tự cân đối và vận động hỗ trợ giúp đỡ theo hình thức xã hội hóa trong việc cải tạo sửa chữa nhà đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, ổn định cuộc sống. 

Riêng đối với các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới, Chủ đầu tư các dự án nâng cấp đường giao thông phối hợp cùng quận - huyện, phường - xã thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của dự án; tiến hành khảo sát, ước tính mức độ ảnh hưởng, số liệu các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, hộ nghèo để lập khái toán kinh phí hỗ trợ, trình duyệt chung với dự án đầu tư.

Được biết hiện nay, Sở Xây dựng đã có văn bản trình UBND TP HCM để kiến nghị việc hỗ trợ nói trên với các phương án hỗ trợ như sau: Thứ nhất, hỗ trợ bằng tiền không hoàn lại: Hộ nghèo được xem xét hỗ trợ tối đa 70% giá trị chi phí sửa chữa nhà đối với trường hợp nhà ở được xây dựng hợp pháp và đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận.

Thứ hai, hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn ưu đãi: Các trường hợp bị ảnh hưởng còn lại được Quỹ Phát triển nhà ở cho vay từ “Chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp”, mức vay là giá trị sửa chữa cải tạo nhà; lãi suất vay 4,7%/năm, thời hạn vay 5 năm. 

Đọc thêm