TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 40 dự án văn hóa - thể thao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng qua (15/10), UBND TP HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao (VHTT) năm 2024. TP kỳ vọng đến năm 2030, tổng doanh thu ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP khoảng 148.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12%/năm.
Giám đốc Sở VHTT TP Trần Thế Thuận giới thiệu về đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP đến 2030. (Ảnh: Trần Tiến)
Giám đốc Sở VHTT TP Trần Thế Thuận giới thiệu về đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP đến 2030. (Ảnh: Trần Tiến)

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, Hội nghị là dịp để ngành VHTT, Sở KH&ĐT giới thiệu về định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; mong muốn qua đây có sự trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa để giúp TP hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.

Ông Mãi mong muốn qua Hội nghị, chính quyền TP cùng các đại biểu lắng nghe những ý kiến và thảo luận những dự án cụ thể, để sau Hội nghị phải có dự án được triển khai.

Theo ông Mãi, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 dành cho TP HCM một số cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Vận dụng những cơ chế, chính sách này, TP tiếp tục cụ thể hóa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở VHTT TP Trần Thế Thuận đã giới thiệu về đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP đến 2030. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến 2030. Bao gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Ngày 25/10/2023, UBND TP đã ban hành Quyết định 4853 phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP đến 2030. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Về chỉ tiêu phát triển, đến 2025, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân 14%/năm, phấn đấu doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP. Đến 2030, tốc độ tăng trưởng đạt 12%/năm, phấn đấu doanh thu đạt khoảng 7 - 8% GRDP của TP. Dự kiến tổng doanh thu sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP khoảng 148.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Thuận cho hay, TP HCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được HĐND TP thông qua danh mục đầu tư. Trong đó có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại TP mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, TP HCM là nơi hội tụ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa. Ông Hùng đề nghị TP huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa và thể thao; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao từ TP đến cơ sở.

Ông Hùng cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng TP, tạo điều kiện thuận lợi nhất để TP tăng tốc, tạo đột phá mới. Bộ cũng sẽ không ngừng đổi mới, ứng dụng thành quả khoa học công nghệ trong quản lý; phát triển, nâng cao chất lượng hoạch định chiến lược với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực mới cho công nghiệp văn hóa phát triển.

Tại Hội nghị, UBND TP kêu gọi đầu tư 5 dự án xây dựng mới thuộc lĩnh vực VHTT theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật lao động A-B; Nhà hát Gia Định; Trung tâm văn hóa TP; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật TP tại Thủ Thiêm; Trung tâm VHTT đa năng TP tại huyện Cần Giờ.

Theo UBND TP, tính đến tháng 9/2024, tổng mức đầu tư xây dựng mới 5 dự án dự kiến gần 2.352 tỷ đồng. Trong đó, 1.643 tỷ đồng xây dựng mới Trung tâm VHTT đa năng TP tại huyện Cần Giờ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ nhu cầu thụ hưởng VHTT của người dân. Trung tâm Văn hóa TP (quận 1) vốn đầu tư 295 tỷ đồng. Nhà hát Gia Định (quận Bình Thạnh) 250 tỷ đồng. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật lao động A-B (quận 5) 164 tỷ đồng.

Riêng Trung tâm văn hóa - nghệ thuật TP tại Thủ Thiêm được xây dựng với mục tiêu tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn, công suất 3.000 chỗ, hiện chưa xác định mức đầu tư.

Đọc thêm