TP Hồ Chí Minh ngày càng thiếu hụt nhân lực tại trạm y tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dân số trên địa bàn TP HCM những năm qua liên tục gia tăng. Tuy nhiên, năng lực y tế cộng đồng ở TP HCM chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thậm chí đang có chiều hướng giảm sâu khi số lượng nhân viên y tế tại phường, xã vốn đã ít thì nay ngày càng thiếu hụt.
Một trạm y tế phường tại TP HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.
Một trạm y tế phường tại TP HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Theo Sở Y tế TP HCM, trạm y tế hiện nay đang thực hiện các chức năng khám bệnh, chữa bệnh gồm: sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các y, bác sĩ của trạm y tế còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng chống dịch bệnh… và nhiều hoạt động khác.

Với những chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ Y tế quy định như trên, trạm y tế càng không thể trở thành một phòng khám hay bệnh viện thu nhỏ. Vai trò của trạm y tế phường, xã, thị trấn đã được khẳng định và ngày càng được quan tâm.

Điều dễ thấy rằng hầu hết các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố đều là bác sĩ chuyên khoa (hô hấp, tim mạch, thận, tiêu hóa…) thì khó có thể đảm trách công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ không khả thi, nếu yêu cầu các bác sĩ chuyên khoa, thay vì là bác sĩ thực hành tổng quát hay bác sĩ gia đình, thực hiện hoạt động này.

Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, hiện nay toàn TP HCM có hơn 10 triệu người dân nhưng chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã hoạt động tại 310 trạm y tế, trong đó có những trạm phải quản lý sức khỏe cho hơn 100.000 người dân. Tính trung bình, mỗi trạm y tế chỉ có 6 nhân viên y tế và mỗi người phải chăm sóc sức khoẻ cho gần 6.000 người dân. Điều này đã được minh chứng trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, các trạm y tế ở TP HCM gần như “toang”, không đáp ứng nổi công tác phòng chống dịch ở địa phương. Nhiều nhân viên y tế làm việc kiệt sức, nhiều người không trụ nổi đã phải xin nghỉ việc.

Nhân lực đã ít ỏi, tuy nhiên số nhân viên y tế của mỗi trạm vẫn đang có xu hướng giảm nữa, do nhân viên phải đảm trách khối lượng công việc rất lớn, trong khi thu nhập thấp, chênh lệch quá lớn so với thu nhập của nhân viên y tế tại các bệnh viện và phòng khám.

Nói về định hướng để nâng cao năng lực các trạm y tế, Sở Y tế TP HCM khẳng định rõ hướng đi đó là nâng cao năng lực trạm y tế để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng, không đi theo hướng chuyển đổi trạm y tế trở thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ.

Để nâng cao năng lực y tế cơ sở, năng lực các trạm y tế trên địa bàn, Sở Y tế TP HCM cũng sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đổi mới hoạt động trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; tiếp tục chương trình thí điểm đào tạo thực hành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp. Đồng thời phối hợp hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện cho trạm y tế; bổ sung thuốc thiết yếu trong danh mục bảo hiểm y tế cho các trạm y tế; chuyển đổi số công tác quản lý sức khỏe người dân; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và lập dữ liệu về sức khỏe người dân.

Ngoài ra, Sở Y tế TP HCM cũng kiến nghị cần xem xét sửa chữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến trạm y tế theo hướng theo đó chuyển đổi, phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn.

Đọc thêm