TP Hồ Chí Minh: Những bước tiến trong chuyển đổi số

(PLVN) - Với mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, TP HCM chi 0,78% ngân sách năm 2021 cho chuyển đổi số. Con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%.
Sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP HCM năm 2022. (Ảnh website Thành ủy TP HCM)

Thành phố năng động trong chuyển đổi số

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022, trong đó, Top 10 các tỉnh, thành phố có chỉ số DTI đứng đầu gồm có: Đà Nẵng, TP HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định. TP HCM năm nay đã đạt vị trí số 2 cả nước về chuyển đổi số, thăng hạng so với vị trí thứ 3 của năm ngoái. Cạnh đó, các hạng mục quan trọng là “Chính quyền số” và “Kinh tế số” của TP HCM đều ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành; “Xã hội số” xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành.

Những năm qua, TP HCM đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số. TP HCM coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Năm 2021, thành phố chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số. Con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến cho năm 2023 là hơn 1%.

Chương trình chuyển đổi số của TP HCM được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TP HCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Thành phố đã có nhiều chương trình đổi mới, nỗ lực vượt bậc trong chuyển đổi số. Tháng 3/2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã ra mắt và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin chuyển đổi số TP HCM. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số và các hoạt động, kết quả chuyển đổi số của TP HCM.

Năm 2022, thành phố có hàng loạt sự kiện quan trọng về chuyển đổi số như thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của TP HCM; Ra mắt “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP HCM”; Có các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; Tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP HCM năm 2022...

Năm 2022, thành phố đã triển khai thành công tập trung hạ tầng công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu thành phố và bảo đảm an toàn thông tin, hạ tầng mạng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đến nay, chất lượng mạng viễn thông, internet và cáp quang băng thông rộng TP được nâng cao và phủ khắp đến từng nhà người dân, 100% phường xã, thị trấn không có vùng lõm sóng.

Công tác chuyển đổi số đã và đang được diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ trong các ngành, các lĩnh vực tại TP HCM như Cải cách hành chính, Tư pháp, Y tế, Văn hóa... Các doanh nghiệp TP HCM cũng được đánh giá là năng động, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nắm bắt xu thế toàn cầu.

Thách thức về con người

Chuyển đổi số là một quá trình quan trọng trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững, cùng với việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng cường sự cạnh tranh của thành phố trên bản đồ kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức cho thành phố, trong đó thách thức hàng đầu hiện nay là yếu tố con người.

Theo thống kê, chính quyền cơ sở tại địa phương đang đảm nhận một khối lượng công việc khổng lồ để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành địa phương, tại các UBND xã phường, quận huyện, từ cấp lãnh đạo đến cán bộ, công chức đang đảm trách “quá tải” so với lượng việc cần có.

Nhân lực dành cho chuyển đổi số cũng còn “thiếu và yếu”. Trả lời báo chí, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết, khó khăn về kỹ thuật và con người là hai vấn đề hàng đầu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính hiện nay. Theo ông Thắng, để chuyển hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số thì phải có cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật và công dân số. Quá trình này phải có thời gian vừa chuyển đổi, vừa huấn luyện.

Về phần các đơn vị ngoài công lập, các doanh nghiệp tư nhân, nhân lực mảng công nghệ cũng đang chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Báo cáo về xu hướng tuyển dụng nhân sự năm 2022 của TopCV vào đầu 2022 cho thấy, có 43% doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân sự, trong đó, doanh nghiệp IT - Phần mềm thuộc nhóm có tỷ lệ thiếu nhiều nhất. Nhân sự công nghệ thông tin luôn nằm trong top ba vị trí được săn tìm trong năm 2022. Gần 65% doanh nghiệp có kế hoạch tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin trong năm 2022. Không ít doanh nghiệp đang “gặp khó” về đào tạo nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Đây cũng là điểm gây khó khăn cho các hoạt động chuyển đổi số, nhưng đồng thời cũng là động lực để thành phố nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số, giải quyết “điểm nghẽn” về con người.

Đọc thêm