Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì buổi làm việc, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu và đại diện các sở ban ngành TP.
Về thực hiện Luật Thi hành án dân sự (THADS), Cục trưởng Cục THADS TPHCM Vũ Quốc Doanh cho biết, công tác THADS của TPHCM trong 5 năm qua có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Trong thời gian từ 1-10-2015 đến 30-6-2020, tổng số vụ phải thi hành là hơn 351.500, với số tiền trên 193.000 tỷ đồng. Trong đó, đã giải quyết xong hơn 300.000 vụ việc với số tiền trên 108.500 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015-2016, tổng số việc phải thi hành gần 98.000 việc, thi hành xong gần 70.000 việc, đạt tỷ lệ hơn 76% so với chỉ tiêu được giao vượt gần 6,4%. Tổng số tiền phải THA hơn 60.000 tỉ đồng, THA xong hơn 10.000 tỉ đồng. Bán đấu 413 tì sản, tổng giá trị gần 21.000 tỉ đồng. Đạt gần 33%.
Giai đoạn 2016-2017, 106.769 việc, đã thi hành xong 60.244 việc, đạt hơn 71%. Phải thi hành hơn 74.500 tỉ đồng, đã thi hành xong gần 18.600 tỉ đồng, đạt hơn 47%.
Giai đoạn 2017-2018, phải thi hành hơn 111.000 việc, đã thi hành hơn 66.000 việc, đạt hơn 78%. Số tiền phải thi hành gần 70.000 tỉ đồng, đã thi hành được gần 11.000 tỉ đồng.
Kết quả THADS giai đoạn 2018-2019, phải THA là gần 113.000 việc, đã thi hành xong gần 64.000 việc. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 106.000 tỉ đồng, đã thi hành xong gần 23.000 tỉ đồng, đạt 35,1%.
Giai đoạn 2019-2020, kết quả THADS cho thấy, phải thi hành hơn 90.000 việc, đã thi hành xong gần 38.000 việc. Số tiền phải thi hành gần 107.0000 tỉ đồng, đã thi hành xong hơn 19.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ gần 29,3%.
Ông Vũ Quốc Doanh nêu một số vướng mắc trong công tác THADS như việc xử lý tài sản là đất nông nghiệp thế chấp cho ngân hàng. Theo quy định, đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng, khi hết hạn thì người sử dụng phải làm đơn gia hạn quyền sử dụng đất. Nhưng họ không có quyền lợi gì trong việc này nên không làm, mà các cơ quan chức năng khác cũng không được tự gia hạn quyền sử dụng cho đương sự.
Việc người mua tài sản đấu giá để THADS, khi đã nhận tiền nhưng chưa giao được tài sản cho người mua, cơ quan thi hành án gửi tiền vào ngân hàng. Hiện vẫn có hai quan điểm xử lý đối với số tiền lãi phát sinh, một là người phải thi hành án sẽ hưởng, hai là người mua tài sản đấu giá sẽ hưởng. Hiện cũng chưa có hướng dẫn về việc này.
Đặc biệt, ông Vũ Quốc Doanh nêu bất cập hiện nay trong Luật THADS, đặc biệt là quy định việc ủy thác thi hành án, theo đó phải xử lý xong tài sản ở địa phương mình rồi mới ủy thác cho địa phương khác. Trong khi với các vụ án tham nhũng, tài sản phải thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, quy định như vậy sẽ kéo dài thời gian thi hành án.
Cục THADS kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về tố tụng, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng biện pháp bảo đảm tất cả tài sản của người có hành vi phạm tội đối với các tội phạm tham nhũng, kinh tế nhằm đảm bảo cho việc thi hành án thu hồi tài sản có hiệu quả.
Cạnh đó, cần có quy định cơ chế riêng để thu hồi tài sản cho nhà nước ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để tránh tình trạng tẩu tán, làm thất thoát tài sản nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc thu hồi tài sản thuộc các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng.
Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư, phòng chống tham nhũng theo hướng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Kiến nghị có cơ chế hướng dẫn về việc thu hồi tài sản ở nước ngoài do phạm tội mà có. Cục THADS TP cũng kiến nghị về hoàn thiện các quy định pháp luật về Luật THADS.
Còn Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM Nguyễn Văn Tấn cho biết, nếu ủy thác không được thì sau một thời gian tài sản sẽ mất đi hoặc giảm giá trị. Nên cần sửa đổi quy định này để tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Từ thực tiễn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cũng kiến nghị Bộ Tư pháp trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định “vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương” cần UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành án theo quy định. Nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn đến việc tùy tiện, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó cho công tác Thi hành án dân sự.