Trả giá cho thị trường thu nhập cao

Không chỉ người lao động phải trả giá đắt cho những “thị trường trong mơ”, đôi khi “lòng tham” cũng “giết chết” khá nhiều công ty XKLĐ.

Không chỉ người lao động phải trả giá đắt cho những “thị trường trong mơ”, đôi khi “lòng tham” cũng “giết chết” khá nhiều công ty XKLĐ.

Lương càng cao- đổ vỡ càng dễ

“Làng” XKLĐ hẳn còn chưa quên “cơn ác mộng” mang tên Séc, Slovakia, Nga khi một ngày đẹp trời lao động lũ lượt bị về nước trước hạn do thiếu việc làm. Lao động chưa đi được thì bị dừng cấp visa do có quá nhiều tiêu cực.

Trước “cơn ác mộng” lại là “cơn sốt”, khắp mọi miền quê rộ lên phong trào đi 3 thị trường này với mức lương được quảng bá là từ 650 USD- 1.000 USD/ tháng.

Đổi lại, NLĐ mất nhiều loại chi phí không tên mà lớn nhất là phí môi giới và phí làm visa. Ước tính thời điểm cuối 2008 đầu 2009 có khoảng 30 DN “tiền mất tật mang” vì trót ‘sa chân” vào thị trường này. Kéo theo đó khoảng vài ngàn lao động đã nộp các khoản chi phí nhưng “kẹt visa” không được xuất cảnh.

Phong trào XKLĐ ở các địa phương đổ vỡ, tiếng xấu lan tràn khắp nơi. Nhiều DN dù đã trả tiền phí môi giới, phí visa cho đối tác nhưng không đưa được lao động đi đành phải bán nhà, bán xe đi trả nợ .

“Dư chấn” để lại là hiện còn không ít DN vẫn chưa trả hết nợ cho lao động và nhiều lao động vẫn đâm đơn kiện khắp nơi để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.

ld.jpg
Lao động học nghề trước khi xuất cảnh

Dù “thất bại” ở thị trường Đông Âu, song các DN không nản. Hướng tới các thị trường “thu nhập cao” luôn là “đích nhắm” và ước vọng của nhiều DN bởi thực tế thị trường thu nhập cao dễ tuyển lao động, lợi nhuận cao.

Các thị trường như Canada, Mỹ, Anh, Pháp đều được các DN tìm cách khai thác song thường chỉ đưa được dăm chục lao động là đã “nửa đường đứt gánh”. Mới đây nhất, một DN có tiếng trong “làng” XKLĐ phải lao đao khi khai thác đơn hàng đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Thụy Điển.

Trước đó, 100 lao động đi hái quả tại Phần Lan cũng không suôn sẻ gì. Mới đây nhất, thị trường lao động Israel được mở , DN lại “hăm hở” lao vào khai thác đơn hàng. Môi giới Israel liên tục bay sang Việt Nam chào mời đơn hàng trong khi thực tế thị trường này khá nhỏ và nhu cầu lao động nước ngoài không lớn. 

 Một số DN lại đang lao vào khai thác thị trường Ba Lan, Belarus và Anggola. “Giờ tuyển thị trường truyền thống khó lắm, kiểu gì cũng phải làm thị trường mới thì mới ổn”, giám đốc một DN nói “chắc như đinh đóng cột”.

"Đột tử" vì lòng tham

Xu hướng tìm “thị trường thu nhập cao” không phải chỉ là mong mỏi của các DN mà ngay cơ quan quản lý nhà nước cũng muốn phát triển. Lý giải vì sao những thị trường thu nhập cao vẫn chỉ là “khe cửa hẹp”, Bộ LĐTBXH cho rằng do trình độ của NLĐ Việt Nam chưa “tới tầm”. Song, ở góc độ khác, có thể thấy, phần lớn do “lòng tham” của các DN XKLĐ đã khiến cho thị trường thường sớm “chết yểu”.

Các DN làm thị trường thu nhập cao lợi dụng nhu cầu của NLĐ lớn nên thường “đẩy” các loại phí cao hơn quy định. Khi nộp tiền đi các thị trường này, NLĐ do quá “háo hức” cũng như kỳ vọng vào mức lương cao, nhưng khi làm việc thực tế, mức lương cao trừ đi chi phí cao khiến tổng thu về của NLĐ thấp dẫn tới tình trạng lao động hoặc phá hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, hoặc kiện tụng gây đổ vỡ thị trường. 

Bên cạnh đó, tâm lý “giành giật đơn hàng” còn phổ biến trong các DN và các DN thường “tự bắn súng vào chân nhau” bằng cách nâng phí môi giới để có được đơn hàng. Điển hình là thị trường Israel, mới mở được vài tháng đã sớm rơi vào trạng thái quá đà khi một vài DN liên tục đưa phí môi giới lên cao, tuyển dụng lao động ồ ạt. Đến mức, mới đây, Hiệp hội XKLĐ đã phải họp khẩn cấp để “phanh” hiện tượng này lại. 6 DN được phép tham gia thị trường này đã ký cam kết không tự ý “phá rào”, cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn thất cho DN và NLĐ.

“Hiện một vài trong số 6 DN đang lôi kéo đối tác bằng phí môi giới cao, trong khi đó từ 1/1/2011 chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của Israel sẽ có sự thay đổi, rất có thể việc nhận lao động sẽ phải thông qua IOM, hiện một số nước đã dừng cung ứng lao động cho Israel khi phải qua IOM. Nếu như DN Việt Nam không “tỉnh”, tuyển quá nhiều lao động thì “kịch bản đổ vỡ” như thị trường Séc sẽ lặp lại”, giám đốc một DN trong "top” 6 này cảnh báo.

Thanh Lương

Đọc thêm