Trả lễ hội phồn thực về đúng ý nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày xuân, một số nơi tổ chức lễ hội phồn thực, thờ sinh thực khí theo tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào. Tuy nhiên, gần đây, lễ hội thiêng này đã bị một số người làm hoen ố, dung tục hóa.
Tái hiện nghi lễ phồn thực trong Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ.
Tái hiện nghi lễ phồn thực trong Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ.

Những lễ hội phồn thực ngàn năm tuổi

Đêm 11, rạng sáng 12 âm lịch hàng năm, tại miếu Đụ Đị (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) diễn ra màn Lễ Mật “tế nhị” là một nghi lễ cổ xưa, còn lưu giữ duy nhất ở vùng đất Tổ. Lễ hội này có tên “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là Lễ hội “Trò Trám”.

Giữa đêm, chủ tế tiến hành làm lễ rồi mang hai “vật linh” thờ trong miếu ra thực hiện nghi thức gọi là “linh tinh tình phộc”. “Vật linh” là sinh thực khí gồm Nõ (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam) và Nường (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ). Một cặp vợ chồng, hoặc đôi trai gái tại làng sẽ thực hiện nghi lễ Lễ Mật với hai “vật linh” này.

Người nam sẽ cầm chiếc Nõ đâm vào Nường do người nữ mang trên tay. Nghi thức diễn đi diễn lại 3 lần. Nếu cả 3 lần Nõ đâm trúng Nường, thì có nghĩa là Lễ Mật thành công, cả năm dân làng sẽ gặp may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió, được mùa.

Lễ hội “Ná Nhèm” (tiếng Tày là "bôi nhọ mặt") là lễ hội truyền thống đặc sắc của người Tày ở khu vực cửa đình Làng Mỏ (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được tổ chức vào tháng Giêng. Trong lễ hội, 6 trai làng cao to, khoẻ mạnh được giao nhiệm vụ khiêng “tàng thinh” - tượng trưng cho linh vật của người đàn ông.

Lễ hội “Ông Đùng - bà Đà” diễn ra vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm tại đền thờ Bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang (xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trong lễ hội các hình nộm mang cả dáng dấp ông Đùng và bà Đà. Khi múa lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội bày tỏ tình cảm vui mừng với nhau.

Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang “ăn nằm” với nhau. Sau đó, đoàn múa ra khỏi Đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh Đùng bố mẹ.

Hành động phản cảm trong lễ hội thiêng

Tại lễ hội phồn thực có nghi lễ luôn được cộng đồng, làng xã bảo vệ rất nghiêm ngặt được gọi là Lễ Mật. Lễ Mật được tổ chức tại đình hoặc miếu, càng ít người trong đó càng đảm bảo tính linh thiêng của nghi lễ. Đặc biệt, nghi lễ “tế nhị” được diễn ra trong đêm tối, hiếm người được tham dự, không cho phép người tham dự được chụp ảnh hay ánh sáng chiếu vào. Đây là một điều cấm kỵ. Nhưng, đáng buồn, có những lễ hội, Ban Tổ chức muốn thể hiện Lễ Mật của mình ra cho người ngoài để “câu khách”.

Tại Lễ Mật năm 2019, một cán bộ ngành văn hóa đã livestream trong buổi lễ này trên tài khoản facebook của mình. Việc livestream này kéo dài khoảng 20 phút. Dù đoạn livestream này sau đó đã bị gỡ bỏ, song nó vẫn là biểu hiện của việc thiếu ý thức trong chính cán bộ ngành văn hóa, gây bất bình trong cộng đồng.

Một số người dân và du khách khi xem Lễ Mật đã thoải mái quay phim, chụp ảnh, cười nói, chỉ chỏ, bình luận cợt nhả. Những hành động như vậy làm cho tính thiêng bị triệt tiêu. Tính thiêng là hạt nhân quan trọng, là yếu tố tạo sự hấp dẫn, độc đáo của lễ hội truyền thống. Khi tính thiêng bị triệt tiêu thì ý nghĩa lễ hội cũng mất.

Tại lễ hội Ná Nhèm, 50 năm trở về trước, tàng thinh được tượng trưng bằng hình que bằng cổ chân. Nhưng rồi, càng ngày tàng thinh lại càng “rõ nét” và “khủng” hơn như để thỏa mãn hiếu kỳ của khách thập phương. Tàng thinh tại Ná Nhèm được làm bằng gỗ nặng khoảng 60kg, dài đến 1,3m nặng gần 30kg với màu sơn hồng gây phản ứng trong dư luận.

Cách đây vài năm, một phụ nữ đã có hành vi phản cảm khi chụp ảnh cùng tàng thinh ngay tại lễ hội khiến nhiều người sửng sốt.

Lễ hội “Ná Nhèm” vừa qua lại tiếp tục có một số phụ nữ chụp ảnh cùng sinh thực khí nam với biểu cảm dung tục, không thể hiện đúng theo tinh thần của lễ hội. Những hình ảnh này sau khi được chia sẻ trên mạng đã nhận được nhiều phản ứng của dư luận, trong đó đa số lên án hành động phản cảm của một số du khách.

“Đừng nên biến những lễ hội phồn thực thiêng liêng hàng ngàn, hàng trăm năm tuổi thành một “món hàng câu khách, như phim người lớn”, ông Lê Quang Thắng - Viện Hàn lâm Việt Nam đã nhấn mạnh khi chia sẻ với truyền thông.

Theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên: “Từ xưa cha ông ta tạo ra những biểu tượng tinh tế, mang đầy đủ ý nghĩa. Nhưng gần đây những hình ảnh rước sinh thực khí tràn lan trên mạng gần đây khó chấp nhận. Tôi cho rằng có yếu tố phản cảm trong đó, vì thế gây nên rất nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận công chúng, cư dân mạng đã nhìn nhận, đánh giá sai về lễ hội, ý nghĩa lễ hội mà ông cha muốn truyền tải. Vì thế, việc thực hành các nghi thức lễ hội truyền thống phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt trong những lễ hội phồn thực”.