Ở xã Kim Hòa, từ những người già đến các bạn trẻ ai cũng biết làm bánh tét, bởi nhờ những đòn bánh này đã nuôi sống biết bao thế hệ nơi đây.
Hối hả vào vụ
Đến địa phương này vào những ngày cuối năm, mọi người dễ dàng bắt gặp thoang thoảng mùi vị của Tết. Trong không khí nhà nhà người người đang hối hả thổi lửa sao cho ra lò những đòn bánh ngon "trứ danh" của địa phương. Chính khung cảnh này tạo nên sự sống động trong bức tranh làng nghề nơi đây.
|
Các cơ sở tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn tất bật vào vụ Tết. |
Bà Trần Thị Chín (52 tuổi, chủ cơ sở bánh tét Chín Di) cho biết, nghề làm bánh theo bà từ khi còn trẻ. Đến hiện tại bà gắn bó với đòn bánh cũng đã gần 40 năm. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà lại cùng những người thân trong gia đình lại quây quần bên bếp lò để cho ra hơn hàng chục nghìn đòn bánh tét.
“Thời gian này, tôi phải thức từ 4 giờ sáng mới kịp nấu để trả đơn hàng cho khách. Trung bình mỗi ngày tôi cung ứng ra thị trường hơn 5 nghìn đòn bánh. Từ khắp các tỉnh miền Tây đến TP HCM đều đến đây lấy bánh”, bà Chín chia sẻ.
Theo bà Chín, những sản phẩm bà làm ra vừa miệng thực khách (nếp dẻo không bở, nhân bánh giữ được độ ngon nguyên vị, hương thơm tự nhiên) nên mọi người đều nhớ đến và tiếp tục ủng hộ. Trong đó, mỗi đòn bánh sẽ bao gồm các nguyên liệu: nếp sáp, đậu xanh, chuối, thịt mỡ và những nguyên liệu phụ có hương vị thơm ngon tự nhiên, không phẩm màu… qua bàn tay khéo léo của người thợ để cho ra đòn bánh tét hoàn chỉnh.
“Để làm ra được một đòn bánh tét ngon, đòi hỏi người thợ phải lành nghề. Ngoài khâu nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng cũng cần đến tay gói khéo trong việc gói bánh và nấu bánh. Thao tác cột dây phải vừa phải, nếu xiết chặt quá có thể khiến đòn bánh chín không đều, không đạt độ giòn dai theo yêu cầu. Ngược lại, nếu xiết quá lỏng, bánh sẽ bị thấm nước và không ngon và không có hình dạng bắt mắt", bà Chín cho biết thêm.
|
Theo bà Trần Thị Chín, lá chuối dùng gói bánh cũng phải là lá chuối tươi, khổ rộng, không bị rách. |
Là người có hàng chục năm thâm niên với nghề làm bánh tét, bà Mai Hoàng Lý - chủ cơ sở sản xuất bánh Hai Lý cho biết, cứ mỗi độ tháng 12 âm lịch là các bếp lò tại làng nghề nơi đây lại bắt đầu “chạy đua” với Tết. Công tác chuẩn bị nguyên liệu (lá chuối, nếp, các nguyên liệu tạo màu cho nếp như lá dứa, lá cẩm, trái gấc…) phải được dự trù từ rất sớm mới kịp đáp ứng thị trường.
“Nếu bình thường chỉ sản xuất khoảng 300 đòn bánh/ngày, thì những ngày Tết số bánh có thể lên đến 3 - 5 nghìn đòn bánh/ngày. Có những hôm công nhân phải thức từ lúc 2 giờ sáng để kịp gói bánh giao vào khoảng 11 - 12 giờ trưa. Tuy vất vả, nhưng lại rất vui vì biết bà con còn đón nhận sản phẩm mình làm ra”, bà Lý phấn khởi nói.
Nghề nuôi làng
Theo những vị "lão niên" chia sẻ, từ giữa tháng 12 âm lịch, nhu cầu của người dân tăng cao, đây cũng chính là thời điểm làng nghề bánh tét Trà Cuôn nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhà nào cũng hối hả gói bánh cho kịp trả đơn hàng cho khách, miệng nói tay làm, tiếng nói cười rôm rả xua tan đi cái mệt. Chủ lò bánh vừa có doanh thu, công nhân lại tăng thêm thu nhập. Tuy đa số lao động đều là thời vụ, nhưng cao điểm vào thời gian này sẽ tăng nhân công lên 5 - 6 lần so với ngày thường, nhờ vậy mọi người nơi đây đều có Tết.
|
Bánh tét Trà Cuôn là một trong những đặc sản Tết trứ danh miền Tây. |
Ông Thạch Minh Sơn - lao động tại lò bánh Chín Di vui mừng bộc bạch, vào dịp Tết các lò bánh đều chạy hết công suất, nhờ vậy mà ông có công việc để làm. Trung bình một ngày ông có thể nhận được khoảng 700 - 900 nghìn đồng, cao hơn 3 lần so với ngày thường.
“Hơn hơn 25 năm tôi gắn bó với các lò bánh nơi đây, mỗi cái Tết đến là gia đình vẫn có chút đỉnh để sắm quần áo cho con và lo trong gia đình. Đồng hành cùng làng nghề bánh tét Trà Cuôn phát triển qua từng năm, có thể nói chính những đòn bánh tét đã nuôi sống người dân nơi đây”, ông Sơn cho biết thêm.
|
Để có một đòn bánh tét ngon, đòi hỏi người thợ làm bánh phải khéo léo, tỉ mỉ trong quá trình chọn nguyên liệu, gói bánh và cả nấu bánh. |
Ông Lê Kim Tùng - đại lý bánh tét Trà Cuôn tại TP HCM cho biết, bánh tét Trà Cuôn sở hữu hương vị thơm ngon, đậm đà riêng biệt mà không nơi nào có được. Tết Nguyên đán, bánh được dùng làm quà cho người thân, bạn bè đầy ý nghĩa. Nên cứ vào 20 âm lịch đến mùng 3 Tết, mỗi ngày ông bán gần 1.000 đòn bánh tét, số lượng này tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường.
“Nhờ vào sự yêu mến của thực khách mà làng nghề bánh tét Trà Cuôn vẫn giữ vững bao năm qua. Cho dù có năm kinh tế khó khăn, tôi nhập hàng ít hơn nhưng vẫn đủ để người làm bánh sống ổn qua mùa Tết. Nên dù có ra sao, tôi vẫn tin làng nghề bánh tét Trà Cuôn vẫn mãi trường tồn và sẽ giúp những con người chịu thương, chịu khó với loại bánh này phát triển kinh tế ổn định”, ông Tùng nói.
Làng nghề bánh tét Trà Cuôn thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang đã được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận vào năm 2011. Hiện làng nghề bánh tét Trà Cuôn có khoảng 7 cơ sở sản xuất với gần 20 hộ gia đình làm nghề. Vào những dịp Tết thì làng nghề trở nên bận rộn hơn nhiều để kịp cho việc sản xuất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người.