Trách nhiệm hoàn trả của công chức chưa xứng tiền nhà nước bồi thường

(PLO) - Sau 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả đã được một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, “trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện kịp thời, số lượng đã xem xét trách nhiệm hoàn trả là rất ít”.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng bồi thường oan sai cho ông Phạm Văn Lé theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng bồi thường oan sai cho ông Phạm Văn Lé theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Số vụ hoàn trả rất ít

Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành và địa phương trong 06 năm, kể từ ngày Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, số lượng vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả 22 vụ việc, với tổng số tiền là hơn 676 triệu đồng.

Dù việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả đã được một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường, quan tâm thực hiện song theo Bộ Tư pháp, trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện kịp thời, số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả 3 lĩnh vực (chủ yếu là trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự) là rất ít (22/204 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 676 triệu đồng trên tổng số 111 tỷ 149 triệu đồng Nhà nước phải bồi thường).

Bên cạnh đó, một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa đúng theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp mặc dù Luật TNBTCNN quy định người thi hành công vụ (THCV) chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi (cố ý hoặc vô ý) nhưng một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi xem xét trách nhiệm hoàn trả của người THCV lại không xem xét yếu tố lỗi của người THCV.

Nhìn từ những bất cập trong luật hiện hành, Bộ Tài chính phân tích: Tại khoản 1 Điều 56 Luật TNBTCNN đã quy định người THCV có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 56 Luật TNBTCNN lại quy định người THCV có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. ”Quy định trên trong hoạt động tố tụng hình sự như vậy là không thống nhất với các hoạt động khác như quản lý hành chính và thi hành án. Trong hoạt động tố tụng hình sự, các vụ việc về bồi thường chủ yếu được xác định là do lỗi vô ý của người THCV nên không phát sinh trách nhiệm hoàn trả”, Bộ Tài chính phân tích. 

Hoàn trả cao sẽ có tác dụng răn đe

Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả còn hạn chế. Mức hoàn trả kinh phí không được quy định trong Luật mà được quy định trong Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ.

Theo Nghị định này, trách nhiệm hoàn trả của công chức khi vi phạm pháp luật trong nhiều trường hợp còn thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước chi trả bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại nên chưa đủ sức răn đe.

Do đó, Bộ này đề nghị cần có sự nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung phù hợp để công chức đủ tự tin, yên tâm và có trách nhiệm cao trong THCV. Việc xác định mức hoàn trả cần phải xem xét trên mức độ lỗi, trách nhiệm của công chức trong mỗi vụ việc để buộc họ phải tiến hành hoàn trả lại kinh phí cho ngân sách nhà nước.

Chung nhận định, Sở Tư pháp TP HCM cho rằng, mức hoàn trả của người THCV theo quy định hiện hành trong một số trường hợp là quá thấp, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ nhân dân khi cho rằng Nhà nước dùng tiền đóng thuế của dân để bồi thường cho lỗi của cán bộ, công chức và cũng làm giảm tác dụng răn đe, giáo dục đối với cán bộ, công chức.

Sở Tư pháp đề nghị nên quy định mức hoàn trả cao hơn và có cơ chế cho phép người THCV nếu tự nguyện thì có thể hoàn trả cao hơn mức quy định, thậm chí là hoàn trả 100% chi phí Nhà nước đã ứng để bồi thường cho đối tượng bị thiệt hại mặc dù lỗi của họ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo sửa đổi Luật TNBTCNN sẽ bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả đối với người THCV; quy định mức hoàn trả được xác định trên cơ sở mức độ lỗi, số tiền thiệt hại Nhà nước phải bồi thường; xác định hoàn trả trong trường hợp cụ thể (người THCV về hưu, đã chết hoặc nhiều người THCV cùng vi phạm...); các trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người THCV trong việc phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện hoàn trả...

Đồng thời, Dự Luật quy định chặt chẽ, cụ thể nguyên tắc mọi trường hợp công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đều phải chịu trách nhiệm kỷ luật; bổ sung các hình thức xử lý kỷ luật theo hướng quy định các hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm của người THCV.

Đọc thêm