Thủ tướng Chính phủ thật ý nhị khi trong hội nghị về công tác cải cách hành chính đã lồng câu chuyện của mình vào chủ đề cán bộ. Ông xin lỗi người dân về việc để đoàn xe đi vào phố cổ Hội An do mình đi bộ, không biết xe theo sau và cho đó là “trách nhiệm quán xuyến đoàn công tác chưa tốt”. Ông công khai một việc liên quan đến mình, dư luận ì xèo và không lảng tránh hoặc im lặng, như vậy câu chuyện đoàn xe của Thủ tướng vào phố cấm xe đã được hóa giải, hẳn rằng những lời thị phi sẽ chấm dứt.
Ông đã bảo vệ được uy tín của mình mà không làm tổn thương đến bất kỳ ai. Và, cũng là sự nhắc nhở đội ngũ cán bộ về trách nhiệm quán xuyến công việc của mình dù là việc nhỏ.
Câu chuyện đó là nhỏ với cương vị một người đứng đầu Chính phủ nhưng ông không bỏ qua, cũng như ông chú ý đến các vụ nhỏ như vụ quán cà phê Xin Chào hoặc chăm lo nhà vệ sinh trong trường học.
Ông nhấn mạnh: “Có người nói việc nhỏ nhưng việc nhỏ mà không làm tốt cho dân, còn gây khó cho dân thì Chính phủ còn làm gì?”. Vì lẽ đó, người ta hiểu vì sao Thủ tướng đích thân chỉ đạo làm rõ việc dọa khởi tố người sửa chữa và buôn bán điện thoại cũ, rẻ tiền ở TP HCM. Những việc nhỏ đó nếu được quan tâm, giải quyết một cách rốt ráo thì sẽ tạo ra sức mạnh lớn của cả bộ máy vì được lòng dân, dân ủng hộ.
Như vừa qua xảy ra chuyện một nữ bị cáo vì tố tham nhũng của ngành Tòa án mà bị tăng mức án lên hơn 5 lần, không ai coi đó là chuyện nhỏ nữa, âu cũng là bài học từ những chuyện “bằng cái móng tay” đã xảy ra trước đó.
Hoặc dư luận hiện tại đang thắc mắc về buổi xin lỗi của liên ngành tư pháp đối với ông Trần Văn Thêm từng lĩnh án tử suốt gần nửa thế kỷ mà không thấy vị chức sắc nào mặc đồng phục của ngành cả. Dư luận coi đó là sự thiếu tôn trọng, không nghiêm túc và theo lời Thủ tướng thì liệu họ có trách nhiệm quán xuyến công việc của mình không và đây có coi là chuyện nhỏ?
Cũng là trách nhiệm quán xuyến và cũng là chuyện nhỏ như cắt cỏ, tỉa cành ở Thủ đô, có 24km đường mà mỗi năm phải bỏ ra 53 tỷ cho việc này, trung bình mỗi tuần hơn 1 tỷ đồng. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung coi đây là việc “không thể chấp nhận được”. Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi một cách chính đáng rằng: “Thế trách nhiệm quán xuyến công việc của các cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở đâu?”.
Sở dĩ việc cải cách hành chính vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, Thủ tướng đã chỉ ra đó là yếu tố con người, đội ngũ cán bộ. Người cán bộ không đủ tâm, không đủ tài, chăm chăm vào “lợi ích nhóm”, cấu kết với nhau hành dân, không đủ khả năng quán xuyến công việc của mình thì tất yếu dẫn đến bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Bài học từ thực tế đã quá nhiều, giờ đã đến lúc phải bắt tay vào hành động từ những việc nhỏ nhất, đó mới là chính quyền, nếu không thì lại một câu hỏi tương tự như Thủ tướng đã nói “Chính phủ làm gì?”, là “chính quyền làm gì?”!