Trại Kim Hoa – Người kỹ nữ huyền thoại

(PLO) -Năm Canh Tí, Thiên Tân xảy ra loạn Nghĩa Hòa Đoàn, Trại Kim Hoa chạy về Thông Châu, Bắc Kinh lánh nạn. 
Trại Kim Hoa thời thanh xuân
Trại Kim Hoa thời thanh xuân

Bảo vệ Bắc Kinh và quan hệ với Thống soái Liên quân 8 nước

Bà đến Bắc Kinh ít lâu thì ngày 21/7/1900, Liên quân 8 nước vào thành Bắc Kinh, lấy cớ truy sát Nghĩa Hòa Đoàn ra sức cướp phá, giết chóc, dân chúng rất khốn khổ. Từ Hi Thái hậu bỏ chạy, nhưng Trại Kim Hoa thì ở lại ngõ Bát Đại. 

Do có thời gian dài sống ở Đức trước đây, thông thạo tiếng Đức nên thường trò chuyện với quan binh người Đức. Tại đây, bà gặp lại Thống soái Alfred Graf von Waldersee. Một mặt, bà giúp liên quân 8 nước mua khoai tây làm lương thực, mặt khác lợi dụng tình thân để khuyên bảo Alfred Graf von Waldersee  chỉnh đốn quân kỷ, không tàn sát người dân vô tội, bảo vệ cho dân chúng Bắc Kinh, nên được coi là có cống hiến tích cực cho lịch sử Trung Quốc.

Cũng chính bà đã khuyên bảo bà vợ góa của Công sứ Clemens Freiherr von Ketteler (người bị quân Thanh giết chết trên đường phố Bắc Kinh năm 1900 trong thời gian xảy ra sự biến Nghĩa Hòa Đoàn), dùng cách đặt tên phố để kết thúc sự kiện này. Theo lời Trại Kim Hoa, Alfred Graf von Waldersee rất căm hận Từ Hi, “chỉ muốn róc thịt bà ta ra thái nhỏ đem phơi khô rồi mang về nước cho hả giận”; Trại Kim Hoa khuyên giải mãi, cuối cùng ông ta mới từ bỏ ý định giết chết Từ Hi.

Khắp trong ngoài thành, một truyền mười, mười truyền trăm, từ gã phu xe đến vương tôn công tử, mọi người dân Bắc Kinh đều rất cảm động trước việc làm của Trại Kim Hoa nên đã gọi bà là “Nghĩa Hòa nhân thần Trại Nhị gia”, gắn cho bà vầng hào quang “hộ quốc cứu dân”; thậm chí thành “Cửu Thiên Hộ Quốc Nương Nương”, giúp hàng triệu bách tính thoát khỏi thảm cảnh bị Liên quân 8 nước cướp phá. 

Về việc này cũng có những ý kiến trái chiều. Tề Như Sơn, người làm phiên dịch cho quân đội Đức khi đó đã từng viết bài, nói Trại Kim Hoa “chỉ biết những câu tiếng Đức hạ đẳng”, “tiếng Đức của Trại Kim Hoa rất kém, có một số việc phải nhờ tôi giúp đỡ; nhưng Đức ngữ của tôi cũng chỉ đủ làm cho người khác hiểu”.

Ảnh cưới Trại Kim Hoa với Ngụy Tư Linh
Ảnh cưới Trại Kim Hoa với Ngụy Tư Linh

Ông cũng cho rằng, Trại Kim Hoa chỉ có thể giao du với các sĩ quan cấp Thiếu úy, Trung úy, khó gặp được cấp Thượng úy, vì “Thượng úy là đại đội trưởng, mọi hành vi đều phải rất cẩn trọng”. Ông kể có 2 lần cùng Trại Kim Hoa gặp Alfred Graf von Waldersee trong doanh trại quân Đức, nhưng thấy Trại Kim Hoa rất khép nép, sợ sệt.

Tuy nhiên trong các sách đời Thanh như “Phần kiếm ký” cũng có ghi chép: “Thái Vân là Trạng nguyên phu nhân, sang Anh Quốc, chụp ảnh với Nữ hoàng. Trạng nguyên chết bệnh, Thái Vân bị ghẻ lạnh. Năm Canh Tí, Thái Vân ngoại giao với nguyên soái Đức Waldersee, những quốc túy được bảo tồn”. 

Về quan hệ của Trại Kim Hoa với Alfred Graf von Waldersee, có sách viết: hai người ở chung với nhau suốt 4 tháng ở điện Nghi Loan trong Trung Nam Hải; nhưng Trại Kim Hoa nói với Lưu Bán Nông, quan hệ giữa hai người “hoàn toàn trong sáng, không hề liên quan đến tà dâm”. Tuy nhiên, nhiều người không tin điều đó là sự thật đối với một người có nhân thân phức tạp như Trại Kim Hoa …

Cũng có người bày tỏ nghi ngờ về mối quan hệ tình ái giữa Trại Kim Hoa với Waldersee cũng như vai trò của Trại Kim Hoa trong việc ký kết Hòa ước Tân Sửu. Tuy nhiên, vào thập niên 1980, các lưu học sinh Trung Quốc ở Đức đã phát hiện được trong cuốn nhật ký của Waldersee có một số ghi chép về mối quan hệ giữa hai người. 

Ra công đường vì bức tử kỹ nữ

Năm 1902, Trại Kim Hoa lại mở lầu xanh ở ngõ Thiểm Tây trong thành Bắc Kinh. Sau khi treo biển kinh doanh, khách hàng nô nức tìm đến, việc làm ăn rất tốt, mỗi ngày trừ mọi khoản chi phí cũng còn được 1 thỏi vàng Nguyên Bảo lớn. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, bà đã dính vào vòng kiện tụng.

Tháng 4/1903, sau khi về Tô Châu lo liệu xong tang lễ cho người em trai, Trại Kim Hoa trở lại Bắc Kinh dẫn theo 6 kỹ nữ người phương Nam và tìm được một kỹ nữ người Bắc Kinh là Phụng Lâm. Phụng Lâm thường đối đầu với Trại Kim Hoa, một tối bị bà đánh đập rất đau vì không chịu tiếp khách chơi.

Trại Kim Hoa khi già
Trại Kim Hoa khi già

Hôm sau, đúng ngày con trai của quan thượng thư bộ Hộ Lộc Truyền Lẫm hẹn đãi khách ở kỹ viện thì Phụng Lâm nuốt thuốc phiện để tự sát, Trại Kim Hoa sợ bị lộ chuyện đánh đập Lâm nên đưa cô ta vào giấu trong kho chứa đồ, Phụng Lâm bị chết. Trại Kim Hoa bị tuần thành ngự sử Cao Đệ bắt đưa về bộ Hình.

Hồ sơ vụ án đó đến nay vẫn còn. Theo pháp luật, hành vi của Trại Kim Hoa là phạm tội gây chết người, phải “đánh trăm gậy, đày đi xa ngàn dặm”, nhưng do Trại Kim Hoa quen biết hầu hết mọi người ở bộ Hình nên được chiếu cố, không bị kết tội, chỉ bị phạt tiền rất nhẹ và đưa về Tô Châu; chỉ ít lâu sau, Trại Kim Hoa được tự do lại đến Thượng Hải cùng mấy người bạn chung vốn mở kỹ viện.

Hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi

Năm 1910, Trại Kim Hoa quen biết Tào Thụy Trung, người kém bà 3 tuổi. Sau đó hai người chính thức kết hôn. Bà bỏ ra 2 ngàn lạng bạc mua cho chồng chức điều vận ở cục đường sắt, nhưng đến năm 1912 thì Tào Thụy Trung qua đời vì bệnh; bà ta lại quay về kỹ viện.

Năm 1913, Trại Kim Hoa kết giao với Ngụy Tư Linh, Trưởng ty Dân chính Giang Tây, người từng là Thượng nghị sĩ. Năm 1916, hai người cùng đến Bắc Kinh, ở phố Anh Đào, ngoài cửa Tiền Môn. Ngày 20/6/1918, hai người tổ chức lễ kết hôn ở Thượng Hải, rồi bà đổi tên thành Ngụy Triệu Linh Phi. Đến tháng 7/1921 thì Ngụy Tư Linh qua đời vì bệnh.

Sau khi chồng qua đời, Trại Kim Hoa lại bị hai bà vợ của chồng đuổi khỏi nhà họ Ngụy. Bà đến thuê nhà ở Cư Nhân Lý, Thiên Kiều. Những năm tháng cuối đời, Trại Kim Hoa sống trong cảnh túng quẫn, phải được cứu tế. Năm 1933, Trại Kim Hoa do thiếu mấy trăm tệ tiền nhà bị quan tuần Đường Trọng Nguyên đến nhà đòi mới biết Ngụy Triệu Linh Phi chính là Trại Kim Hoa tiếng tăm lừng lẫy một thời.

Thấy bà sống khổ như thế, ông rất thương cảm. Chuyện đến tai giới báo chí, tờ “Thực Báo” đưa tin về Trại Kim Hoa đã khiến cộng đồng xã hội dậy sóng. Sau đó các tờ “Thần báo”, “Đại Công báo”, “Bắc Kinh vãn báo”, Dung báo”…đều đua nhau đến gặp và viết bài về Trại Kim Hoa khiến dân chúng Bắc Kinh nhớ lại những ký ức tốt đẹp về bà khi trước.

Học giả Dương Bỉnh Chính thuật lại: “Sau sự kiện “18 tháng 9” (Ngày 18/9/1931, quân Quan Đông Nhật bất ngờ đánh chiếm Thẩm Dương), vận mệnh của Bắc Kinh lại tái diễn như lịch sử khi trước. Vì vậy, Trại Kim Hoa với những việc làm tốt đẹp được lòng người thời Liên quân 8 nước khi xưa, nay phải sống mai danh ẩn tích một cách khổ sở ở chính Bắc Kinh đột nhiên được mọi người  chú ý”.

Nhà văn Lưu Bán Nông nhờ người quen là người cùng quê An Huy với Trại Kim Hoa giới thiệu đến gặp bà không dưới 10 lần để tìm hiểu, viết sách; nhưng sách viết chưa xong thì ông đã qua đời vì bệnh.

Mộ bà Trại Kim Hoa
Mộ bà Trại Kim Hoa

Tề Bạch Thạch muốn được mai táng cạnh Trại Kim Hoa

Không chỉ Lưu Bán Nông, nhiều văn nhân, học giả khác cũng tìm đến Trại Kim Hoa nghe chuyện và bày tỏ lòng kính phục, ngưỡng mộ bà. Học giả Trương Cánh Sinh viết thư cho bà: “Tôi thường thích đặt bà ngang với Từ Hi, nhưng quả thật bà cao hơn bà ta nhiều…Hoa Bắc lại cáo cấp, liệu bà có tiếp tục cống hiến được chăng?”.

Rồi ông gửi tặng bà 25 tệ. Một nhà thư pháp viết tặng Trại Kim Hoa tác phẩm mang câu nói nổi tiếng được cho là của bà: “quốc gia là quốc gia của mọi người, cứu quốc là bổn phận của mọi người”.

Năm 1936, nhóm họa sĩ do họa gia Lý Khổ Thiền đứng đầu tổ chức bán tác phẩm tại công viên Trung Sơn để lấy tiền ủng hộ Trại Kim Hoa, nhưng bà qua đời nên họ dùng số tiền đó để lo tang lễ cho bà. Trại Kim Hoa qua đời ngày 4/12/1936, thọ 66 tuổi. Bà được an táng tại Đào Nhiên Đình.

Mộ bà được ghép bằng đá Đại Lý, bia mộ bằng đá Hoa cương cao 1m80; họa sĩ nổi tiếng Tề Bạch Thạch đã đề bia mộ cho bà và tặng một bức tranh để bán lấy tiền lo hậu sự. Ông bày tỏ nguyện vọng sau khi qua đời cũng được mai táng tại đây, bên cạnh Trại Kim Hoa, nhưng nguyện vọng đó về sau không được thực hiện.../. 

Đọc thêm