Trái ngọt vươn khơi

(PLO) - Câu chuyện bám biển, chuyện đời từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa giúp người ta hình dung về cuộc mưu sinh của những ngư dân trên vùng biển chủ quyền Tổ quốc.
Xã có gần 300 tàu cá chuyên khai thác ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
Xã có gần 300 tàu cá chuyên khai thác ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Chiều hắt nắng trên bãi biển xã Bảo Ninh, bán đảo thơ mộng phía Đông TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tìm gặp ông Trương Ngọc Tú ở làng biển Hà Thôn, vợ ông chỉ tay: “Ông ở ngoài âu thuyền. Nghỉ đi biển cả năm rồi mà nhớ nghề, chiều chiều là ra đứng đó xem”. 

Ông Tú đã quyết định “nghỉ hưu” gần năm nay, nhưng hoài niệm biển vẫn vẹn nguyên. Xuất thân từ gia đình ngư phủ đông con nghèo khổ, khi lập gia đình, ông xoay sở đóng chiếc thuyền nhỏ kiếm kế sinh nhai, bám biển không ngày ngơi nghỉ.

Ngày ấy, dù thuyền nhỏ nhưng ai cũng muốn làm bạn tàu với ông, vì đi lần nào cũng lãi cao. “Bây chừ tàu xa bờ có máy tầm ngư, ngư lưới cụ tối tân, đánh một mẻ thu vài chục triệu chẳng khó. Nhưng 15 – 20 năm trước, tất cả nhờ vào kinh nghiệm thôi”, ông nhớ lại đời ngư dân vai trần rám nắng.

Ông Tú truyền nghề biển cho con, về vui thú cây cảnh
Ông Tú truyền nghề biển cho con, về vui thú cây cảnh

Cha bám biển, con vươn khơi 

Sau những chuyến biển về, có ít tiền nào, một phần trả nợ, phần dùng hoán cải nâng cấp thuyền. Rồi đầu tư lên được tàu, từ tàu nhỏ đến to dần. Ròng rã suốt 40 năm đắm đuối, ông sở hữu chiếc tàu vỏ thép QB 91568TS theo Nghị định 67, giá 16,5 tỷ đồng, thuộc hàng to nhất vùng, rồi giao lại cho con trai 30 tuổi. Ông kể: “Cuối 2010, tui lo con đến tuổi gia đình nên xây mới lại ngôi nhà rộng rãi phòng ốc tiện nghi đầy đủ cho con cháu sau này sinh hoạt thoải mái”. Tám năm trước, ông Tú cất được ngôi nhà hai tầng rộng gần 300m2 hết gần hai tỷ.

Chuyện lão ngư Nguyễn Hữu Bíu (thôn Mỹ Cảnh) cũng giống ông Tú ở chỗ yêu biển, say đắm tàu thuyền. Ông Bíu xưa là ngư dân nổi tiếng “ăn sóng nói gió”, đi khắp các ngư trường. Những năm 1998 – 1999, chương trình đánh bắt xa bờ gặp khó khăn, 37 HTX đánh cá giải thể, riêng HTX Đánh cá Nhật Lệ II do ông làm Chủ nhiệm vẫn trụ vững, phát triển dần lên hai, rồi bốn tàu, mỗi chiếc trị giá hơn năm tỷ đồng. 60 lao động nhận lương bình quân mỗi tháng 3 – 4 triệu đồng, thời điểm ấy mua được mấy chỉ vàng.

Bây giờ ông Bíu về chăm vườn trong khuôn viên ngôi nhà ba tầng rộng thênh thang hướng mặt ra biển, thi thoảng lại lái xe hơi đi thăm bạn bè. Tàu bè ông chuyển giao cho con, cùng kinh nghiệm 40 năm vẫy vùng biển cả; cùng kinh nghiệm tường tận từng dòng hải lưu, từng luồng tôm cá; cùng ý chí bám biển kiên cường, bất chấp mọi thiên tai nhân họa; cùng khát vọng làm giàu trên vùng biển quê hương.  

Cha truyền con nối, những thế hệ ngư dân Bảo Ninh tiếp nối nhau dong tàu ra ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa buông lưới thu những khoang tàu đầy ắp cá.  

Ngư dân Nguyễn Ngọc Hoan (SN 1978, con ông Bíu) nhớ lại: “Năm 2009, được cha giao tàu đi biển, tôi vui nhưng lo lắng lắm. Vui vì được thỏa chí tang bồng chinh phục biển xa, lại lo vì không kham nổi như cha. Rồi còn mấy chục bạn tàu…”. Anh Hoan được xem là người đi tiên phong ở cả Quảng Bình khi mạnh dạn đầu tư tàu lớn để khai thác xa bờ hơn. Tiếp quản bốn chiếc tàu từ cha, sau đó anh đóng mới hai tàu QB 91667 TS và QB 91868 TS, công suất 800CV, được coi là mạnh nhất vùng Bắc Trung Bộ, tổng trị giá 15 tỷ.

Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Hoan
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Hoan

Sáu năm qua với hơn 50 lần nhổ neo, chưa chuyến nào không có lãi dù giá cả thất thường hay biển khơi nhiều lần “dậy sóng”. Đặc biệt, năm 2016 khi nhiều ngư dân khốn đốn bởi sự cố môi trường biển Formosa, giá hải sản giảm, nhưng sản lượng đánh bắt tăng, anh vẫn có lãi và đảm bảo cho 60 bạn tàu nhận lương 20 – 30 triệu/tháng/người. 

Từ năm 2013 đến nay, năm nào anh cùng các bạn tàu cũng thu về khoảng 10 tỷ đồng. Một kỷ lục ở Quảng Bình thuộc về anh: Một chuyến thu 1,8 tỷ. Ở tuổi đời 40 và 25 năm miệt mài bám biển, anh có cơ ngơi nhiều người ước ao.  

Coi khinh tàu lạ

Gần nhà anh Hoan là hai ngôi nhà tầng của ngư dân Phạm Tuyển và Nguyễn Văn Nam sát nhau, những tay “sát cá” có tiếng trong vùng nhưng trẻ măng ở tuổi 35. Hỏi ở Mỹ Cảnh còn nhiều “dinh thự” như vậy, anh cười: “Sợ không có sức đi xem”.

Cách đó không xa, ngôi nhà gần năm tỷ đồng của ngư dân Mai Văn Thụ đang mừng tân gia. Gia đình anh theo nghiệp biển từ đời cụ kị, nay cả bốn anh em vẫn sát cánh ở ngư trường Hoàng Sa. Đội tàu rất gan góc, coi khinh những tàu lạ lấn chiếm ngư trường hoặc đe dọa. “Ngoài ngư trường tàu lạ phá ghê lắm. Không gan, không có kinh nghiệm thì vỡ tàu, bỏ mạng ngoài biển như chơi”, anh Thụ nói nhẹ tênh.

Vùng cát trắng gió Lào khô cằn xưa kia nghèo khó, nay mơ ước làm giàu từ biển chẳng còn là điều xa xỉ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hiếu lật danh sách ngư dân sản xuất giỏi, cho hay riêng năm 2017, hơn 80 căn nhà giá 1,5 – 7 tỷ đồng đã được ngư dân xây nên từ mồ hôi, công sức chân chính.

Hiện Bảo Ninh có 540 tàu cá, nửa trong đó tập trung đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2017, đánh bắt thủy hải sản đạt doanh thu 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2000 lao động thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu/người/chuyến, có chuyến 15 – 20 triệu. Xã 2700 hộ dân, giờ chỉ còn 16 hộ nghèo do già cả, neo đơn, mất sức lao động.

Năm 2017, đánh bắt thủy hải sản tại xã đạt doanh thu 500 tỷ
Năm 2017, đánh bắt thủy hải sản tại xã đạt doanh thu 500 tỷ

Hoàng hôn, ngồi bên âu thuyền ngắm những con tàu cập bến, ông Tú bày tỏ niềm nhung nhớ biển khơi, nhớ những lần kéo lưới trút cá xuống boong tàu tươi roi rói… Hỏi có khi nào vì thấy nay đã nhà cao cửa rộng, biển cả bất trắc, mà khuyên lớp sau thôi đi biển, ông cương quyết: “Không bao giờ. Nghiệp đã thấm trong máu truyền đời. Biển đảo chủ quyền Tổ quốc ông cha không tiếc máu xương bảo vệ, con cháu đời nào cũng nguyện tiếp tục giữ”.

Đọc thêm