Người đi bộ buộc phải... phạm luật
Qua khảo sát trên địa bàn Hà Nội, không ít tuyến phố hầu như không còn vỉa hè dành cho người đi bộ. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại các tuyến phố cổ và khu dân cư đông đúc. Ở một số khu vực đông dân cư như Đê La Thành, Cầu Giấy… xe máy của hàng quán, thậm chí nhiều biển hiệu cũng bành trướng, chiếm dụng hết phần đường dành cho người đi bộ. Điều này đồng nghĩa với việc người đi bộ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “xuống đường” vi phạm.
Lấn chiếm vỉa hè đã đành, giờ tan tầm nhiều xe máy còn biến vỉa hè thành lòng đường để luồn lách, thoát khỏi ùn tắc. Điển hình tại các giao lộ Cầu Giấy — Xuân Thủy, Tố Hữu, Lê Văn Lương kéo dài… từ thời điểm 17h — 19h có thể dễ dàng chứng kiến hàng trăm xe máy nối đuôi nhau đi trên vỉa hè. Tiếng bấm còi inh ỏi, giành nhau từng khoảng trống trên đường làm không ít người đi bộ hoảng sợ.
“Do diện tích mặt đường có hạn, dẫn đến nhiều xe máy phi lên vỉa hè. Nhưng những người điều khiển xe máy ấy họ luồn lách, phóng nhanh khiến chúng tôi rất sợ, phải tránh ra đường vào thời điểm tan tầm” — chị Thanh một chủ cửa hàng trên phố Tố Hữu chia sẻ. Khi người viết tìm hiểu về vấn đề này, hầu hết người tham gia giao thông đều nhận thức được việc sử dụng các phương tiện cá nhân trên vỉa hè là sai. Song, vì vội vã, nên họ đều tặc lưỡi bỏ qua.
Không chỉ xe cá nhân mới lấn chiếm vỉa hè, tình trạng một số hộ dân có cửa hàng kinh doanh sát mặt đường, coi vỉa hè là phần đất “nghiễm nhiên” được sử dụng để buôn bán, để vật liệu, để xe cộ… cũng diễn ra phổ biến. Chẳng hạn, ở khu vực ngã tư thuộc nút giao thông Hà Trì — Đa Sỹ (quận Hà Đông) mặc dù là khu vực dân cư đông đúc, tập trung nhiều trường học nhưng để tiện “quảng cáo” và trung chuyển nên một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng đã biến vỉa hè thành nơi tập kết gạch, cát, sỏi… Việc làm này không chỉ làm người đi bộ mất không gian an toàn mà còn gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Cần làm gì để người đi bộ chấp hành?
Theo đánh giá chung, hiện nay ý thức tham gia giao thông của phần lớn người dân còn nhiều hạn chế, không tuân thủ các quy tắc giao thông. Về vấn đề này, một số chuyên gia khi được hỏi còn cho rằng, đối tượng tham gia giao thông là người đi bộ thường chịu những “thiệt thòi” nhất định. Minh chứng dễ thấy nhất là hiện nay, hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần không có. Tại các khu vực đông dân cư, gần các trường đại học, trung tâm thương mại, cầu vượt, điểm mở dành cho người đi bộ qua đường còn quá ít, không bảo đảm khoảng cách, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Đặng Minh Tân - Đại học Giao thông vận tải nhận định: “Có thể thấy một vòng lặp luẩn quẩn là: ngại đi bộ, dẫn đến dùng xe cá nhân; phương tiện ra đường nhiều thì áp lực tăng, ùn tắc giao thông tăng; hễ cứ gặp ùn tắc là lại đua nhau lao lên vỉa hè, tìm mọi cách thoát, gây nguy hiểm và bất tiện khiến người dân trở nên ngại đi bộ”.
Trước những tồn tại nhất định về hạ tầng giao thông, việc xử lý người đi bộ vi phạm cũng theo đó gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trao đổi với chúng tôi, một số chiến sỹ thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ, với các phương tiện khác, nếu người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông, nếu chủ thể vi phạm không mang theo giấy tờ, lực lượng CSGT chủ yếu tiến hành... nhắc nhở.
Trở lại câu chuyện vỉa hè bị chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, không ít ý kiến băn khoăn bởi trong trường hợp này, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Từ thực tế trên, nhiều người cho rằng, trước khi áp các quy định đó vào thực tiễn, các cơ quan chức năng phải đảm bảo được các điều kiện cần và đủ để người đi bộ có khả năng tuân thủ các quy định của luật giao thông. Thậm chí, cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong việc bố trí các làn đường, phần đường dành cho người đi bộ chưa đồng bộ.
Rõ ràng, để thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, thiết nghĩ cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt để người dân nâng cao ý thức chấp hành, các ngành chức năng cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm có sự đầu tư đồng bộ hạ tầng cho người đi bộ.Đặc biệt cần bố trí các điểm xây dựng cầu đi bộ cần hợp lý, thuận tiện cho người dân đi lại, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang diễn ra trên rất nhiều tuyến phố, để trả lại lối đi, không gian cho người dân… chỉ có đồng bộ các biện pháp như vậy, người đi bộ sẽ có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.