Những ngày diễn ra chuỗi chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, Sài Gòn như được sống lại thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương. Những tràng pháo tay rộ lên ngay từ phân cảnh đầu cho đến khi kết thúc của đêm diễn cải lương vừa diễn ra tại Nhà hát Bến Thành ngày 7/7 vừa qua. Đó là những tiếng vỗ tay đầy xúc động dành cho một chương trình nghiêm túc.
Chuỗi chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội (tác giả kịch bản, đạo diễn Quang Thảo) gồm lược sử các bài Ca ra bộ, bản Dạ cổ hoài lang gốc, cùng hai trích đoạn kinh điển của cải lương Việt Nam như: “Đời cô Lựu”, “Xử án Thượng Dương”. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh như: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Việt Anh, Thanh Kim Huệ, Vũ Linh, các nghệ sĩ thuộc gia tộc Minh Tơ 6 đời theo nghiệp hát như NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, Trinh Trinh, Điền Trung đảm trách. Chương trình sẽ diễn phục vụ 10 suất, từ tháng 7 đến tháng 9 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TP HCM.
Không những được nghe trình diễn cải
lương từ nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương, gạo cội cho đến tài năng trẻ, khán giả còn được xem những trích đoạn cải lương kinh điển đã gắn bó trong lòng người mộ điệu hàng trăm năm qua: “Dạ cổ hoài lang” (Cao Văn Lầu), “Đời cô Lựu” (tác giả: Trần Hữu Trang) và “Xử án Thượng Dương” (kịch bản: “Câu thơ yên ngựa”, tác giả: NSND Thanh Tòng)...
Mãn nhãn, chạm đến cảm xúc, đó là những lời khen tặng của khán giả dành cho chương trình ngay từ đêm diễn đầu tiên. Lời khen tặng không chỉ dành cho tiếng hát và sự nhập vai tuyệt vời của người nghệ sĩ, cho vở cải lương kinh điển, cho kịch bản chỉn chu, hấp dẫn.
Đó còn là lời khen dành cho sự đầu tư, dàn dựng nghiêm túc của những người làm chương trình: Sân khấu đẹp, hòa hợp với nội dung, sự hòa quyện giữa cải lương và các bộ môn nghệ thuật khác, nhưng thông điệp ý nghĩa về lòng ái quốc, lòng nhân ái, đức hy sinh... Âm nhạc của Phạm Duy, tuồng cổ, vũ đạo được kết hợp nhuần nhuyễn, tạo cảm giác mới lạ trong cái cổ điển, làm khán giả đi từ hết ngạc nhiên này đến thú vị khác.
Trong những năm qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương từ gạo cội tới thế hệ trẻ đã có nhiều nỗ lực để chấn hưng nghệ thuật cải lương, từ đào tạo thế hệ kế cận, nỗ lực làm mới và đưa nghệ thuật cải lương đến với công chúng, khán giả trẻ... Chuỗi chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội là một trong những nỗ lực như thế. Còn những người yêu cải lương, còn những ngọn lửa nghề luôn cháy, còn những thế hệ trẻ có trách nhiệm gìn giữ phát huy truyền thống, cải lương sẽ mãi là một thánh đường nghệ thuật, sẽ còn trường tồn.