Tràn lan trang phục, phụ kiện ngành Công an trên 'chợ mạng'

(PLVN) - Không gian mạng xã hội hiện tràn lan những hội nhóm quảng cáo, rao bán trang phục, phụ kiện ngành Công an. Thực trạng này khiến nhiều người băn khoăn, khi từng có không ít đối tượng xấu sử dụng trang phục này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, tình trạng mua bán trang phục và các phụ kiện liên quan đến ngành Công an thời gian qua diễn ra khá phổ biến, công khai trên mạng xã hội. Chỉ vài thao tác tìm kiếm đơn giản, ai cũng có thể đặt mua một bộ trang phục giống đến 80 - 90% trang phục của các chiến sĩ Công an.

Đơn cử, khi phóng viên gõ cụm từ “quần áo công an” trên thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, loạt kết quả hiện ra với rất nhiều bài đăng, cửa hàng, hội nhóm rao bán.

Bằng một click chuột trên mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy loạt quảng cáo bán trang phục, phụ kiện ngành Công an.

Khi phóng viên liên hệ với một cửa hàng online chuyên bán các loại trang phục, phụ kiện ngành Công an, nhân viên cửa hàng đã giới thiệu về chủng loại, giá cả của từng sản phẩm đang rao bán. Ví dụ: dây lưng cấp tướng Công an giá 200.000 đồng/1 sợi hay cầu vai cấp hiệu giá 350.000 đồng/1 bộ, trang phục lực lượng Công an nhân dân giá 600.000 đồng/1 bộ...

Tại một cửa hàng khác, khi người mua ngỏ hỏi về khóa tay số 8, người bán tư vấn “khoá số 8 hàng Bộ công an giá 550.000 đồng đã bao gồm phí ship”. Người mua đặt vấn đề "không phải người công tác tại đơn vị Công an thì mua khóa tay số 8 thì có sao không?", ngay lập tức người bán hàng trấn an: "Cái này bình thường mà, người ta mua đầy, tất nhiên là không phải mua về rồi lạm dụng mang tung tăng ra đường”.

Việc trang phục, phụ kiện ngành Công an mua bán dễ dàng trên mạng xã hội không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ "tiếp tay" cho tội phạm gây mất an ninh trật tự xã hội, có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an.

Một đoạn đối thoại giữa phóng viên và trang bán phụ kiện ngành Công an.

Thời gian qua, có nhiều đối tượng bị lực lượng chức năng tiến hành khởi tố, xử lý về hành vi giả danh lực lượng Công an nhân dân thực hiện hành vi lừa tình, lừa tiền và chiếm đoạt tài sản.

Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã tiến hành khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (38 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), để điều tra về hành vi giả danh Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi mua trang phục Công an nhân dân cấp hàm Trung tá và thẻ Ngành Công an giả, Tuấn đã mặc trang phục mua được rồi giả danh Công an chụp hình đăng lên tài khoản mạng xã hội cá nhân. Bằng các thủ tinh vi, Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng của hai nạn nhân.

Lo ngại về hiện tượng giả danh lực lượng Công an để lừa đảo, một người dân ngụ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) chia sẻ: "Thời gian qua tôi thấy báo chí đưa tin nhiều đối tượng giả danh Công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tôi không hiểu sao các đối tượng này lại có được những bộ trang phục giống y như các cán bộ, chiến sĩ Công an. Tôi nghĩ, bên cạnh việc xử lý các đối tượng giả mạo Công an, thì các lực lượng chức năng cũng cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát, xử lý các trường hợp mua bán trái phép trang phục, phụ kiện ngành Công an".

Việc trang phục, phụ kiện ngành Công an mua bán dễ dàng trên mạng xã hội không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ "tiếp tay" cho tội phạm...

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 160/2007/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP), quy định: "Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Đối với trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu Công an nhân dân với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190, Điều 191, Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân để giả danh Công an nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Đọc thêm