92 năm qua (21/6/1925 – 21/6/2017) báo chí Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Tiến sỹ Đào Văn Hội trong bài báo “Báo chí kỷ nguyên số 4.0 và kỳ vọng... nhận xét: “Báo chí cách mạng Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Đồng hành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, mỗi thành tựu của báo chí gắn liền với thắng lợi chung của dân tộc và quốc gia”.
Tự hào với những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng nhưng cũng hơn bao giờ hết, các cơ quan báo chí và những người làm báo nhận rõ phía trước đầy thách thức.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Đó là, báo chí sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động như thế nào để theo kịp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng? Đó là, người làm báo ý thức và nhận diện như thế nào về tiêu cực, khuynh hướng lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí? Đó là, trong bối cảnh mạng công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay tạo nên cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt, báo chí truyền thống làm như thế nào để trụ vững trong “mê trận” của vòng xoáy thông tin, kỹ năng tác nghiệp của nhà báo thay đổi như thế nào cho phù hợp? Vân vân và vân vân.
Đất nước đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế dưới ngọn cờ của Đảng, báo chí cách mạng ngày càng có vai trò hết sức quan trọng. Và điều đó đòi hỏi công tác quản lý báo chí, tổ chức hoạt động báo chí, kỹ năng báo chí và nhân cách người làm báo phải ngang tầm.
“Với trí tuệ, sự tận tâm, tấm lòng ngay thẳng và tinh thần dũng cảm, các nhà báo cần vượt qua khó khăn, thách thức để phản ánh những bất cập, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ như thế hôm 18/6/2017 trong cuộc gặp đại diện các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó là nhiệm vụ đặt ra đối với những người làm báo hiện nay.
Trong vận hội và thách thức, những người làm báo càng nhớ nhà báo vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm rèn luyện cách nói và cách viết cho cán bộ, nhất là đối với những người làm công tác trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá nói chung và nhà báo nói riêng. Bác căn dặn: viết cho ai, viết để làm gì, viết về cái gì? Người dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Bài báo là tờ hịch cách mạng”.
Báo chí trăn trở vì dân tộc và nhân dân – đó là sứ mệnh của báo chí cách mạng!