Trần Vũ Long, ám ảnh 'Giấc mơ cây'

(PLVN) - Ngồi trước mặt tôi là gã đàn ông cao to như minh tinh điện ảnh. Gã ít nói, thâm trầm, tâm trí luôn nghĩ ngợi xa xăm. Gã ấy là nhà thơ Trần Vũ Long, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 
Nhà thơ Trần Vũ Long
Nhà thơ Trần Vũ Long

Trần Vũ Long tặng tôi tập thơ mới “Giấc mơ cây” của anh, NXB Hội Nhà văn năm 2018. 

Gần như là lời “phi lộ” với độc giả, ngay từ trang 1 Trần Vũ Long trải lòng: “Đời thì đau nhiều mà thơ mãi không hay lên được”. Anh muốn in tập thơ để lưu giữ: “Một quãng thời gian nhiều yêu thương, nhiều mất mát, nhiều đau đớn, nhiều cô đơn, nhiều hoang hoải...và cả nhiều sự điên rồ. Đời cứ thế và mình cứ thế”

Tôi cho rằng đây là sự bày tỏ chính mình, một sự khiêm nhường có lý do. Thường các nhà thơ, kể cả các tác giả thơ vốn rất nhiều hiện nay khi in hay chọn một bài “đinh” làm tên chung cho cả tập. Tôi cứ võ đoán Trần Vũ Long cũng thế. Và như một “thói quen” tôi đọc “Giấc mơ cây” đầu tiên.

“Trong giấc mơ đêm qua anh thấy mình là một thân cây/ từ thân thể anh em chồi lên thành chiếc lá duy nhất”, thế nhưng “trong giấc mơ đêm qua chiếc lá rụng/ thiếu sự sống thân cây đã chết/ mảnh đất chúng ta nằm xuống/ muôn ngàn hoa lá mọc lên”. Tôi gọi đó là giấc mơ phồn sinh, trong tất cả mọi hoàn cảnh đều nhú chồi sự sống. “Trong giấc mơ đêm qua anh nghe tiếng em/ vang lên từ ngôi đền nơi rừng thẳm/ anh đã bay theo âm thanh trong gió/ và anh hóa thành một thân cây”.

Cũng giống như nhều người đọc thơ khác, tôi lần giở tập thơ gồm 66 bài với hơn 100 trang in để tìm một sự sắp xếp nào đó. Tôi không phát hiện ra. Mở ra là “Buổi chiều ngồi nghĩ về ngôi đền cổ”, một bức tranh về ngôi đền như có “ma ám”:

Ngôi đền ấy là nước mắt

ngôi đền ấy là tình yêu

bao hỉ nội ái ố

nhận và cho đã nhiều

Ngôi đền mà Trần Vũ Long đã bước vào “buồn như quá khứ”. Dẫu “tha phương lạc bước”, “linh cảm và sám hối” và “thuần khiết niềm tin” nhưng vẫn là “chiều/ đổ bóng/ vào/ ta”. Cuộc đời có biết bao người “thành kính và ước ao” nhưng đâu dễ tìm ra mình nơi “ngôi đền cổ”?

Để hiểu Trần Vũ Long, tôi lần đọc “Độc thoại” xem giấy phút tĩnh lặng nhất, Trần Vũ Long nói điều gì. “Đi cho hết một con đường/ Yêu sao cho hết tận tường đắng cay”. Lạ kỳ nhé. Trần Vũ Long là một trong những nhà thơ thế hệ 7X luôn “phá cách”, sáng tạo về thi pháp nhưng ở “Độc thoại” anh lại viết ở thể lục bát. Hình như, để “tận tường đắng cay” phải biết thả lỏng mình ra thì đắng cay mới ngấm tận chân tơ kẽ tóc?

Trần Vũ Long viết về những kỷ niệm, về con người mà anh đã gặp và cảnh vật nơi anh đã đến đều theo phong cách của riêng anh. Không đơn thuần ca ngợi hay thương cảm mà anh gửi gắm vào đó cái nhìn, cái nghĩ của anh về người đó, về sự việc đó. Nhân vật đó có thể là “Tướng Giáp” – người mà cả dân tộc ngưỡng mộ, hoặc “Với Trịnh Sơn”, “Với Thành Chương chiều cuối năm”, “Với Phương ở bãi giữa sông Hồng” hoặc với “Những em bé Sapa”...

Với “Tướng Giáp”, Trần Vũ Long có góc nhìn rất khác lạ “xung quanh ông/ bao vùng cấm/ nhưng chẳng vùng cấm nào/ từ phía nhân dân”. Trần Vũ Long nhìn ra ở danh tướng này một phẩm chất “tử tế buồn/ tử tế lặng thinh”. Sự vĩ đại ngay cả khi không lời.

“Với Thành Chương chiều cuối năm” thì Trần Vũ Long phát hiện ra “có một nỗi buồn vừa đi qua phố/ cho ta ngồi bên nhau”.

 

Trần Vũ Long là người sống nội tâm, giàu tình cảm. Trong “Giấc mơ cây”, có 04 bài thơ anh viết về bố và mẹ và các bài thơ viết về “Chị”, “Nói với con”. Tôi đoán chắc rằng, 2 bài thơ về bố của Trần Vũ Long anh viết khi người cha – nhà thơ Võ Thanh An (tên thật là Trần Quang Vinh) vừa qua đời. Tình yêu của người con trai dành cho bố, mẹ thật xúc động:

Đến bao giờ bố ơi

trên đường về nhà con mới không bật khóc

cháu nội sau mỗi giờ tan học

tôi ngơ ngác trong phòng lặng ngắt vắng ông rồi?

(Nhớ bố)

Hoặc:

Mỗi sáng trên tờ lich đỏ chẳng bao giờ bóc

nụ cười ấy nhắc con về thân phận mình

trong dáng hình và con tim này

cả những giọt nước mắt người trao lại

(Gia tài người để lại)

Với mẹ mình, Trần Vũ Long viết:

Mười năm mẹ như mây trắng

cho con ngờ vực chính mình

mười năm mẹ thành hoa nắng

con buồn trong kiếp nhân sinh

(Mẹ)

Gặp Trần Vũ Long, đối diện với anh, đọc thơ anh người đọc sẽ thắc mắc một Trần Vũ Long ngoài đời cao lớn, rất “bụi” đáng ra phải ăn to nói lớn nhưng sao lại kiệm lời, nghiêm ngắn và thơ buồn đến thế, ám ảnh đến thế?

Gấp tập thơ “Giấc mơ cây”, tôi nhận ra một Trần Vũ Long luôn luôn trăn trở với cuộc đời, với con người. Thơ anh đau đau một nỗi đau và hy vọng cho con người trong sự đa tầng, đa nghĩa. Vì thế đọc “Giấc mơ cây” là phải chiêm nghiệm cùng giấc mơ về “ngôn ngoại” nằm ngoài ký tự thơ anh.

đã hơn một lần ngắm nhìn cây cầu cũ

loay hoay một thế đứng

cô đơn sẽ theo ta hòa vào dòng nước

dối trá tách mình vút lên

(Hình dung về cái chết)

Cuối tập thơ của Trần Vũ Long có nhiều bài thơ ám ảnh như “Cái chết đẹp như mơ”, “Hình dung về cái chết”, “Và ta chết” hoặc “Sợ”, “Say”.

Chén cuối cùng anh uống mình anh

Em không tới rượu thành màu lửa cháy

Bình dốc cạn mắt người hoang lạnh đáy

Hoa lá đổi màu, cỏ úa quá tầm tay

(Say)

Tôi viết Trần Vũ Long “tửu lượng” không có gì đáng phải “nể” nên hiểu cái say của anh là say của “chiêm cảm”, luôn muốn “tự mình giông bão/ hốt hoảng nỗi cô đơn”. Thơ là sản phẩm lao động của trái tim và tâm hồn khi rơi vào cùng cực của cô đơn hoặc tuyệt vọng. Từ cô đơn, hoang hoải ánh lên vẻ đẹp của thơ mà con người cần tìm kiếm./.

Đọc thêm