Trang trọng lễ Khai ấn đền Trần Xuân Quý Mão 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước ban thờ Trung Thiên, Đền Thiên Trường, đại diện lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Nam Định đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, qua đó động viên cán bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông...

Đêm 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023 diễn ra trang trọng tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định, tỉnh Nam Định).

Dự lễ khai ấn có Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định: Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị.

Cùng dự còn có các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Nam Định; lãnh đạo TP Nam Định, phường Lộc Vượng cùng đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương.

Các đại biểu Trung ương và đại biểu tỉnh Nam Định dâng hương tại sân đền Thiên Trường trước nghi lễ khai ấn đền Trần. (Ảnh: Trần Khánh)

Các đại biểu Trung ương và đại biểu tỉnh Nam Định dâng hương tại sân đền Thiên Trường trước nghi lễ khai ấn đền Trần. (Ảnh: Trần Khánh)

Nhiều hoạt động quan trọng đã diễn ra trong buổi lễ khai ấn, gồm: lễ dâng hương (từ 22h15 đến 22h40); lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường (từ 22h40 đến 23h10); nghi lễ Khai ấn, dâng chúc văn (23h15).

Tại lễ Khai ấn, trước ban thờ Trung Thiên, Đền Thiên Trường, đại diện lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Nam Định đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, qua đó động viên cán bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trước giờ Khai ấn. (Ảnh: Minh Quyết)

Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trước giờ Khai ấn. (Ảnh: Minh Quyết)

Ảnh: Thế Đại

Ảnh: Thế Đại

Đọc diễn văn tại Lễ khai ấn, Chủ tịch UBND TP Nam Định Phạm Duy Hưng khẳng định, lễ khai ấn được duy trì tổ chức hàng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Nam Định.

Nghi lễ khai ấn được thực hiện tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng.

Nghi thức dâng lễ trước giờ Khai ấn. (Ảnh: Thế Đại)

Nghi thức dâng lễ trước giờ Khai ấn. (Ảnh: Thế Đại)

Sau khi kết thúc nghi lễ khai ấn, từ 23h55 ngày 14 tháng Giêng, đền Trần mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (5/2), Ban Tổ chức bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách tại 3 nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

Sau 3 năm tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão được tổ chức trở lại. Vì vậy, nhiều người dân và du khách háo hức được về dâng lễ, cầu may và tỏ lòng thành kính. Dù thời trời mưa phùn, nhưng rất đông người vẫn mặc áo mưa, đội lễ dồn về các sân đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa.

Rất đông người dân và du khách đổ về đền Trần sau lễ Khai ấn. (Ảnh: Thế Đại)

Rất đông người dân và du khách đổ về đền Trần sau lễ Khai ấn. (Ảnh: Thế Đại)

Tuy lượng người đông, hoạt động dâng hương, làm lễ vẫn diễn ra suôn sẻ, trật tự nhờ sự có mặt của nhiều chốt an ninh được bố trí trong đền Trần. Lực lượng chức năng đã tập dượt và lên kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh. Trong ngày diễn ra lễ Khai ấn đền Trần, công tác đảm bảo an ninh được chú trọng với 5 vòng an ninh, 30 chốt bảo đảm an ninh.

Công an TP Nam Định bảo đảm an toàn Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ.

Công an TP Nam Định bảo đảm an toàn Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghi lễ khai ấn đền Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ "Trần triều điển cố" và "Tích phúc vô cương". Bản chất của bốn chữ "Tích phúc vô cương" trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.