Quan điểm 40 năm “cân nhắc”
Quyết định của tổng thống Pháp được đưa ra chỉ hai giờ sau khi hai chuyên gia do chính ông Macron đề cử đã đệ trình lên điện Elysée báo cáo đề nghị chính quyền trả lại những cổ vật và những tác phẩm nghệ thuật của châu Phi hiện được các bảo tàng ở Pháp trưng bày và lưu giữ.
Đây cũng là dịp để ông Macron gợi nhắc lại cam kết của ông hồi tháng 11/2017, ở Ouagadougou, thủ đô quốc gia châu Phi Burkina Faso, theo đó giới trẻ châu Phi phải được “tiếp cận với di sản của châu Phi và di sản chung của nhân loại ngay tại châu Phi chứ không phải chỉ ở châu Âu”.
Ông Macron muốn trong vòng 5 năm sẽ trao trả vĩnh viễn hoặc chuyển giao tạm thời, các tác phẩm nghệ thuật cho các nước châu Phi có liên quan.
Chủ nhân điện Elysée cũng tuyên bố ủng hộ mọi hình thức trao trả các tác phẩm nghệ thuật, dù là trả lại vĩnh viễn, tạm thời cho mượn, trao đổi hay để triển lãm … Tổng thống Pháp giao cho Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao giữ vai trò chính thực hiện tiến trình trao trả các tác phẩm, còn các bảo tàng phải có trách nhiệm xác định các đối tác châu Phi và tổ chức chuyển giao các hiện vật cho các nước có liên quan.
Thực ra, trao trả lại các cổ vật cho các nước từng là thuộc địa của Pháp, nhất là châu Phi, không phải là đề tài mới được nhắc tới lần đầu tại nước Pháp. Chuyên gia Bénédicte Savoy giải thích là bà và đồng nghiệp Felwine Sarr chỉ tìm hiểu kỹ lại về một vấn đề đã từng bị để dở dang trong quá khứ:
“Trong quá trình Felwine Sarr và tôi tìm hiểu, nghiên cứu ở châu Phi và cả trong các tài liệu lưu trữ của các cơ quan của Pháp, chúng tôi đã tìm thấy nhiều hồ sơ tài liệu hồi cuối những năm 1970 - 1980 cho thấy khi đó vấn đề này đã từng được nói đến.
Nhất là khi tra cứu các tài liệu lưu trữ nghe nhìn về các bản tin thời sự 20h trong năm 1978, chúng tôi đã thấy nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình Roger Gicquel ngay ở thời đó đã tuyên bố là để giúp người dân các nước ghi nhớ hơn về danh tính, cần phải trao trả lại các tác phẩm cho các nước, cần phải chú ý tới điều đó. Roger Gicquel đã giải thích một cách rất nhiệt tình, phấn khởi.
Thế nhưng, mọi người đã quên mất điều đó. Và từ 40 năm qua, chẳng có gì tiến triển, có rất ít điều được làm khiến mọi người cũng quên mất rằng vào thời đó UNESCO cũng đã nhắc tới chuyện trao trả cổ vật. Trong các tài liệu lưu trữ, chúng tôi cũng đã tìm thấy những mẫu văn bản của UNESCO được thảo bằng ba ngôn ngữ để yêu cầu trao trả lại các tác phẩm”.
“Vượt rào” luật bảo vệ di sản
Theo luật bảo vệ di sản của Pháp, có 3 nguyên tắc phải tuân thủ: không chuyển nhượng, không tiêu hủy và không tịch thu các tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng. Chính vì thế, về nguyên tắc, chính quyền không có quyền trao trả lại các tác phẩm cho các nước châu Phi.
Từ năm 1970, có quy định là chính phủ Pháp có quyền trao trả lại cho các nước có liên quan những tác phẩm bị ăn cắp, mua bán trái phép hay được nhập lậu vào Pháp, nhưng quy định này chỉ được áp dụng với các tác phẩm được mang vào Pháp sau năm 1970.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật Bénédicte Savoy và Felwine Sarr, hiện tại có khoảng 90.000 tác phẩm nghệ thuật, cổ vật của châu Phi tại Pháp, nhất là tại bảo tàng Branly, Paris, nhưng về nguyên tắc, những hiện vật này lại không hội đủ điều kiện để có thể được trao trả lại cho châu Phi bởi vì chúng được đưa vào Pháp trước năm 1970.
Để có thể trao trả cho châu Phi các tác phẩm này, hai nhà nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật, Bénédicte Savoy và Felwine Sarr cho rằng Pháp phải thay đổi luật di sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nguyên thủ Pháp cũng đã một số lần, bằng cách này hay cách khác, trao trả lại cho một số nước các cổ vật quý giá và có ý nghĩa không chỉ về nghệ thuật, mà nhất là về văn hóa và tâm linh. Ông Frédéric Mitterand, bộ trưởng Văn hóa dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy nhắc lại một chuyện:
“Khi François Mitterand tới thăm Hàn Quốc, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất hay thứ hai của ông, tôi cũng không nhớ rõ nữa, thì ông ấy đã mang cho nhà chức trách nước này một cuốn sách chép tay đặc biệt quý hiếm.
Ở Pháp chỉ có 5-6 cuốn sách như vậy, và tổng thống Mitterand đã mang trả cho Hàn Quốc 1 hay 2 quyển. Nhưng đó là một trận chiến của tổng thống với một số nhân vật bảo thủ có thẩm quyền về việc giữ lại các cuốn sách chép tay đó”.
Những cuốn sách chép tay của hoàng gia Triều Tiên đã bị Hải quân Pháp chiếm đoạt trong một cuộc viễn chinh sau khi vụ các nhà truyền giáo Pháp bị giết hại ở Triều Tiên. Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, quan hệ giữa Pháp và Hàn Quốc trở nên căng thẳng do tranh cãi về những cuốn sách cổ. Năm 1991, Hàn Quốc chính thức đòi Pháp trả lại 297 cuốn sách mà họ gọi là di sản văn hóa và khi đó được lưu giữ tại thư viện quốc gia Pháp François Mitterand ở Paris.
Năm 1993, tổng thống Mitterand đề nghị hình thức “cho mượn chéo” và đằng sau những thương lượng về văn hóa là các mặc cả về kinh tế. Tập đoàn Alstom của Pháp khi đó muốn bán tàu cao tốc TGV cho Hàn Quốc. Pháp trả cho Hàn Quốc cuốn sách đầu tiên nhưng phải đến năm 2010 tiến trình trao trả mới được nối lại.
Vào tháng 11/2010, tại thượng đỉnh G20 ở Seoul, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mới đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc. Để “vượt rào” luật bảo vệ di sản, Sarkozy đề nghị dùng vỏ bọc là cho Seoul “mượn sách” phục vụ mục đích nghiên cứu, cứ sau 5 năm thì những cuốn sách lại được gia hạn “cho mượn” tiếp. Những cuốn sách cổ nói trên hiện được lưu giữ ở Hàn Quốc, lần gia hạn cho mượn sách được thực hiện hồi tháng 02/2016.
90% di sản của châu Phi đang nằm ngoài “đất mẹ”
Ngoài chuyện liên quan đến luật bảo vệ di sản, nhiều người Pháp hiện còn lo ngại rằng việc trao trả sẽ gây nhiều thiệt hại cho các bảo tàng Pháp. Thế nhưng, bà Bénédicte Savoy cho biết:
“Khi trao trả các cuốn sách chép tay cho Hàn Quốc, Pháp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cơ quan bảo vệ di sản. Nhưng điều gây ấn tượng và làm chúng tôi xúc động là lần này, sau hôm tổng thống Macron đọc diễn văn ở Ouagadougou, giám đốc bảo tàng Branly, Stéphane Martin, qua báo chí đã này tỏ đồng quan điểm với tổng thống Macron và nói rằng ông cũng thấy có điều không bình thường và không thể bỏ qua là châu Phi gần như không còn gì, trong khi đó các bảo tàng ở phương Tây thì gần như là có tất cả”.
Theo báo cáo của hai chuyên gia Bénédicte Savoy và Felwine Sarr, hiện giờ 90% di sản của châu Phi đang nằm ngoài châu lục này, nhất là ở phương Tây. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu có phải quốc gia nào cũng muốn mang về nước những tác phẩm đã bị Pháp chiếm từ thời thuộc địa? Hồi năm 2000, tại Pháp nổ ra nhiều tranh cãi quanh các bức tượng Nok, khi tổng thống Jacques Chirac khai trương khu trưng bày cánh Sessions ở bảo tàng Louvre.
Các tác phẩm nghệ thuật châu Phi được trưng bày tại đó trước khi bảo tàng Branly được khánh thành vào năm 2006. Trong số các hiện vật, có những bức điêu khắc Nok hình 3 đầu người nhỏ bằng đất nung.
Vấn đề là những cổ vật này được tìm thấy một cách bất hợp pháp từ Nigeria. Chính quyền nước này ngay lập tức đòi Pháp trả lại cổ vật. Luật sư Emmanuel Pierrat, tác giả cuốn sách “Có cần phải trao trả lại các tác phẩm nghệ thuật không?”, kể lại:
“Các cổ vật được mua từ một nhóm người hồi năm 1998 với giá 450.000 euro. Lẽ ra khi đó người ta nên kiểm tra kỹ về nguồn gốc của chúng … Rồi có sự xắp xếp hơi đặc biệt một chút giữa tổng thống Jacques Chirac và tổng thống Nigeria thời đó.
Ở Nigeria, các bảo tàng có điều kiện rất tồi, vì thế Nigeria rất tử tế và để lại cho chúng ta giữ bức điêu khắc hình 3 đầu người mà Pháp đã trả lại cho họ. Và trên thực tế, các cổ vật này vẫn đang ở Pháp, ngay cả khi chúng là tài sản của Nigeria”.
Một vấn đề khác khiến nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật quan tâm là liệu sau khi được trao trả lại cho các nước châu Phi, những tác phẩm nghệ thuật, cổ vật vốn được gìn giữ cẩn thận suốt bao nhiêu năm qua ở Pháp liệu có được các nước châu Phi bảo vệ và lưu giữ trong những điều kiện tốt hay không.
Cựu bộ trưởng Văn hóa Pháp Frédéric Mitterand tỏ ra rất băn khoăn, lo ngại và chia sẻ là cần phải biết chắc chắn trước khi trao trả là những tác phẩm đó sẽ được lưu giữ tốt ở các nước châu Phi. Từng là bộ trưởng Văn hóa, ông đã đi thăm rất nhiều bảo tàng ở châu Phi, có những bảo tàng được xây dựng với kinh phí rất lớn, nhưng ông cho rằng lưu giữ tốt những cổ vật quý giá không phải là điều dễ dàng ở châu lục này.