Tranh cãi về “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí

(PLVN) - Trong cuộc họp mới đây với Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ, ngành tổ chức cuộc họp để tìm nguyên nhân, bàn các giải pháp cấp bách và lâu dài để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, qua số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, có thể thấy 5 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đã ngày càng gia tăng tại TP Hà Nội và TP HCM. Từ 2017-2019 chỉ số bụi mịn có xu hướng tăng theo mùa và theo thời gian từ 2h sáng – 9h sáng.
Một nhà máy nhiệt điện chạy thử trước khi chính thức vận hành, tháng 10/2014
Một nhà máy nhiệt điện chạy thử trước khi chính thức vận hành, tháng 10/2014

Nhiệt điện than có xả bụi mịn?

Nguồn bụi trên đến từ đâu? “Ước tính khoảng 20% lượng PM2.5 trong không khí Hà Nội là từ các nhà máy nhiệt điện lớn và các khu công nghiệp quanh Hà Nội”, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế đưa ra quan điểm trong “Dự báo chất lượng không khí ở Hà Nội và khu vực phía Bắc”, tháng 10/2018. 

Khu vực phía Bắc có 20 nhà máy nhiệt điện, trong đó Nhà máy nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn) công suất nhỏ nhất 110MW, lớn nhất 2280MW ở Mông Dương (Quảng Ninh). Các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn tập trung chủ yếu ở phía đông (Hải Phòng và Quảng Ninh).

Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) ước tính một nhà máy với hai tổ máy 1200MW sử dụng sau hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiện đại nhất với hiệu suất 99,75% thì 0,25% còn lại vẫn tương đương với 8 tấn bụi thải ra môi trường, trong đó lượng bụi PM 2.5 khoảng hơn 2,3 tấn.

“Giả sử không khí hoàn toàn trong sạch, không có hạt bụi nào thì lượng bụi 2,3 tấn sẽ làm ô nhiễm trong bán kính khoảng 65km, chiều cao khoảng 200m. Như vậy tưởng rằng lọc 99,75% bụi là đã hết, thực tế vẫn có một lượng lớn bụi PM 2.5 bay ra ngoài”, ông Sính phân tích.

Ông Sính cho rằng các nhà máy nhiệt điện than hoạt động dù đảm bảo quy chuẩn Việt Nam, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí. “Trong một vùng, ngoài nhiệt điện than còn các nhà máy xi măng, hóa dầu khác cũng xả khí thải. Một nhà máy xả thải theo đúng quy chuẩn có thể đảm bảo nhưng nhiều nhà máy thì sẽ vượt quá khả năng chịu đựng môi trường”.

Theo ông Sính, ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những ngày nghiêm trọng nhất có đóng góp của các khu công nghiệp phía đông (Hải Phòng, Quảng Ninh), trong đó chủ yếu là các nhà máy điện chạy than. Ông Sính nhận định ô nhiễm bụi mịn là “vấn đề không biên giới” bởi khả năng lan truyền xa của nó.

Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than lại có bằng chứng để đưa ra quan điểm ngược lại. “Sau khi qua ống khói cao 215m ra ngoài, hệ thống quan trắc không khí luôn cho thấy, khí thải của nhà máy không gây ảnh hưởng ngoài bán kính 10km tính từ chân ống khói”, ông Tô Văn Tiệp, Phó phòng Kỹ thuật Công ty Nhiệt điện Thái Bình nói trên Vnexpress.net về ảnh hưởng của khói nhiệt điện than tới không khí Hà Nội.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình với hai tổ máy công suất 300MW được cho là dành khoảng 70 triệu USD cho hệ thống xử lý khí thải; nồng độ bụi sau xử lý chỉ khoảng 20mg/Nm3, bằng 1/10 giới hạn cho phép của QCVN; nồng độ SOx khi ra ngoài là 170mg/Nm3, bằng 1/3 mức cho phép.

Cách đó hơn 200km về hướng nam, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn được cho là có những công nghệ xử lý khí thải tương tự, với mức đầu tư khoảng hơn 1,2 tỷ USD. Tro xỉ được trộn với nước, theo hệ thống bơm áp lực và đường ống khép kín xuống bãi tập kết. Tro xỉ được duy trì luôn nằm dưới mặt nước trong thời gian đợi đơn vị thu mua về làm gạch không nung.

Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng An toàn môi trường cho rằng, “với hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, bán kính ảnh hưởng tới môi trường là không quá 5 km”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi chưa nhận định ô nhiễm ở Hà Nội có liên quan đến nguồn này, còn việc nhận định ô nhiễm ở Hà Nội là từ Quảng Ninh chưa có cơ sở. Nếu nói về không khí chung cả nước thì đương nhiên nguồn sử dụng nguyên liệu hóa thạch là phát thải ra khí nhà kính và bụi mịn”.  

Hà Nội thời gian qua nhiều thời điểm bị bụi mịn “tấn công”
Hà Nội thời gian qua nhiều thời điểm bị bụi mịn “tấn công”

Bộ TN&MT chỉ ra bốn nguyên nhân chính

Vậy “thủ phạm” chính của ô nhiễm không khí là do đâu? Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các bộ, ngành đã phân tích và nhận diện được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Cụ thể, Hà Nội và TP HCM nhận định nguyên nhân lớn nhất là sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông. 

Nguyên nhân thứ hai là do Hà Nội và TP HCM đang trở thành một “đại công trường”, mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn. Nguyên nhân thứ 3 là do tại hai TP lớn số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh.

Riêng tại Hà Nội, còn có thêm nguyên nhân là do tình trạng đốt rơm rạ từ ngoại thành và các tỉnh lân cận và đốt chất thải nguy hại, phát tán ra môi trường. Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương kiểm tra và gấp rút xử lý tình trạng đốt chất thải nguy hại tại các địa phương.

Ông Hà nói: “Như vậy, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đều là các nguyên nhân chủ quan, do con người tạo nên chứ không phải nguyên nhân khách quan từ môi trường hay khí hậu”.

Theo ông Hà, giải pháp trước mắt đầu tiên là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tập trung nguồn lực, bằng mọi phương án, huy động mọi lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động, cung cấp hàng ngày số liệu chính xác về chất lượng không khí cho người dân. Nếu chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại cần ngay lập tức có khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần có ngay kế hoạch tiến hành phun nước định kỳ hàng ngày, xem xét điều tiết các luồng giao thông ở những khu vực vượt ngưỡng ô nhiễm không khí. Ví dụ, trong những ngày ô nhiễm không khí dùng các biện pháp điều tiết phương tiện giao thông hạn chế lưu thông.

Mặt khác, khuyến cáo người dân chuyển sử dụng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác bởi đây cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn. Hiện, Hà Nội thống kê có 60 ngàn hộ dân dùng bếp than tổ ong.

Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng sẽ có chỉ đạo các UBND tỉnh, thành quanh Hà Nội có hoạt động nông nghiệp, tuyên truyền, hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ; tuyệt đối không đốt chất thải nguy hại.

Về các biện pháp lâu dài, ông Hà cho biết, các bộ, ngành sẽ phối hợp để hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy nhanh hơn lộ trình xử lý ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM theo Quyết định 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng không khí. Ví dụ, đối với phương tiện giao thông ở hai TP lớn cần có quy chuẩn cao hơn ở các địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tuyên truyền để người dân chuyển sang dùng các phương tiện chạy bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Ông Hà cũng cho biết, Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong. 

Trở lại với câu chuyện điện than có gây ô nhiễm không khí hay không, kết quả quan trắc không khí đạt quy chuẩn của các nhà máy nhiệt điện than chưa xoa dịu được bất an của các nhà hoạt động môi trường. “Để cứu bầu không khí, một trong những việc cần làm đầu tiên là giảm thiểu tiến tới đóng cửa các nhà máy nhiệt điện”, ông Sính khuyến cáo và mong thời gian tới, Nhà nước có thể đứng ra tổ chức một hội nghị chính thức để các nhà hoạt động môi trường, các chuyên gia năng lượng và kinh tế thẳng thắn giải quyết những bất đồng quan điểm xung quanh khí thải nhiệt điện than.

Mới đây, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ TN&MT đã đề xuất quy định về bảo vệ môi trường không khí. Theo dự thảo, các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải. Việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Trong một văn bản chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: Nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…

Đọc thêm