Theo TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (HTX) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết 134/NQ-CP (ngày 25/9/2020) đã đưa ra rất nhiều đột phá để phát triển HTX, trong đó có yêu cầu chính quyền địa phương không được can thiệp vào hoạt động của HTX.
TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Nghị quyết 134/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 70-KL/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể đã đặt ra rất nhiều chương trình, hành động để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể. Theo ông, những hành động nào được xem là nổi bật?
Rất nhiều chương trình, hành động cụ thể được thể hiện tại Nghị quyết 134/NQ-CP đã cho thấy, Đảng và Nhà nước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Trong các nội dung quan trọng của Nghị quyết 134/NQ-CP có việc yêu cầu các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương không được can thiệp quá sâu, không đúng vào tổ chức, hoạt động của HTX. Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền Kết luận số 70-KL/TW. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, HTX vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục chính quy.
Theo ông, vì sao Nghị quyết 134/NQ-CP đặc biệt quan tâm đến nội dung tuyên truyền, giáo dục, mà không phải là những vấn đề khác như vốn, đất đai, tín dụng, thuế… để phát triển HTX?
Kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng đã có những đóng góp rất tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kết quả đạt được chưa được như mục tiêu đặt ra.
Một trong những nguyên nhân là vẫn còn có sự buông lỏng quản lý hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX; công tác tuyên truyền còn rất mờ nhạt; giáo dục và giảng dạy về mô hình kinh tế này ở các cấp học hầu như không được quan tâm.
Khi người dân không hiểu, không biết, cộng với việc can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX khiến người dân không muốn tham gia mô hình kinh tế này, nên kinh tế tập thể phát triển yếu kém là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, Nghị quyết 134/NQ-CP đã đặt vấn đề tuyên truyền và giáo dục là những nội dung hàng đầu khi triển khai Kết luận 70-KL/TW.
Luật HTX năm 2012 bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của HTX. Chẳng lẽ, vẫn còn tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX, thưa ông?
Chúng tôi được biết, có 2 tình trạng xảy ra ở các địa phương: hoặc là “sống chết mặc bay”, hoặc can thiệp quá sâu, không đúng vào tổ chức, hoạt động của HTX. Thậm chí, có chính quyền địa phương còn tìm cách ngăn cản HTX tăng vốn điều lệ, nhằm giữ quyền “kiểm soát” của lãnh đạo địa phương.
Chính vậy, muốn thúc đẩy HTX phát triển, các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước theo hướng tăng cường kiểm tra, thanh tra; hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX hoạt động. Chính quyền các cấp cần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX, không can thiệp vào công việc của HTX, đặc biệt là về phương án sản xuất, kinh doanh và nhân sự.
Phát triển HTX là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình Nông thôn mới. Phải chăng, vì thế, có việc chính quyền địa phương can thiệp vào hoạt động của HTX?
Quyết định 1600/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Nông thôn mới đặt mục tiêu đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Rất mừng là kết thúc năm 2020 sẽ có khoảng 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả khả quan này là nhờ sự đóng góp đáng kể của khu vực HTX, bởi một trong những tiêu chí bắt buộc để một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là phải có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính quyền địa phương được can thiệp vào tổ chức, bộ máy, nhân sự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. HTX bị thua lỗ thì chính quyền địa phương có chịu trách nhiệm không? Chắc chắn là không. Như vậy, đã không chịu trách nhiệm, thì cũng không có quyền can thiệp.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nếu không có sự chỉ đạo thì làm sao HTX phát triển đúng định hướng, làm sao nâng cao được hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thưa ông?
Các địa phương tận dụng tối đa lợi thế của mình để phát triển kinh tế, trên cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là tham gia quá sâu vào hoạt động của HTX, mà chính quyền địa phương chỉ xây dựng quy hoạch, kế hoạch thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút đầu tư vào nông thôn.
Khi đã có quy hoạch, kế hoạch thì đưa ra các giải pháp khuyến khích, như hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi tín dụng, đất đai… đối với những HTX đầu tư đúng định hướng; còn những HTX đầu tư không đúng định hướng thì không được khuyến khích, hỗ trợ, chứ không có quyền bắt buộc các HTX phải đầu tư theo “ý muốn” của chính quyền địa phương.