Tranh chấp tiền trợ cấp mất việc, Chủ tịch HĐQT đi tù

(PLO) - Một tranh chấp lao động về trả tiền trợ cấp mất việc bỗng chốc chuyển thành một vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”,  Chủ tịch Công ty bị tống giam vì cáo buộc “chiếm đoạt tiền cho… Công ty”.
Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng của Cty CP Hà Khẩu
Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng của Cty CP Hà Khẩu
Từ hỗ trợ đến... truy tố
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất tại phường Đại Yên, TP.Hạ Long để xây dựng dự án Trung tâm thể thao khu Đông Bắc. Trong số các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất, Cty CP Xây lắp và Sản xuất vật liệu xây dựng Hà Khẩu (Cty CP Hà Khẩu) bị thu hồi toàn bộ diện tích đất của Phân xưởng Xi măng Đại Yên.
Việc Nhà nước thu hồi đất đã dẫn đến việc Phân xưởng Xi măng Đại Yên phải ngừng hoạt động và giải thể. Toàn bộ 41 công nhân của Phân xưởng này mất việc làm. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Cty CP Hà Khẩu lập phương án sắp xếp lại lao động để hỗ trợ mất việc, ngừng việc làm cho người lao động. UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thẩm định phương án do doanh nghiệp xây dựng.
Theo phương án hỗ trợ được Sở LĐTB&XH  thẩm định, Cty CP Hà Khẩu đề nghị hỗ trợ gần 1 tỷ 165 triệu đồng. Ngày 15/7/2011, UBND TP.Hạ Long đã có Quyết định số 2234/QĐ-UBND phê duyệt mức hỗ trợ theo phương án sắp xếp lại lao động của Cty CP Hà Khẩu. Ngày 20/11/2011, Cty CP Hà Khẩu đã nhận được toàn bộ số tiền hỗ trợ trên.
Khi nhận được tiền hỗ trợ từ Nhà nước, Cty CP Hà Khẩu đã thực hiện việc chi trả cho người lao động. Trong số 41 lao động bị mất việc làm, có 8 lao động sau đó đã được điều chuyển về đơn vị khác thuộc Cty, được bố trí việc làm mới nên không được hưởng hỗ trợ; 12 lao động được bố trí công việc khác nhưng sau đó đã chủ động xin chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng tiền trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật. 21 lao động còn lại mất việc hoàn toàn do Cty không sắp xếp được việc làm mới nên được Cty chi trả tiền trợ cấp mất việc, trích từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước với tổng số tiền mà Cty đã chi ra là hơn 486 triệu đồng.  
Mọi việc sẽ không có gì phải nói nếu như không có việc 12 lao động xin nghỉ việc không khiếu nại “đòi” tiền hỗ trợ mất việc làm do thu hồi đất. Những người lao động này cho rằng họ phải được hưởng trợ cấp mất việc làm, không phải là “trợ cấp thôi việc” như Cty đã chi trả. 
Đây vốn là một tranh chấp lao động điển hình giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, UBND TP.Hạ Long đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc để làm rõ khiếu nại của người lao động. Sau nhiều lần yêu cầu Cty CP Hà Khẩu báo cáo giải trình về việc chi trả tiền Nhà nước hỗ trợ theo phương án sắp xếp lại lao động, UBND TP.Hạ Long đã chuyển hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) xử lý đối với lãnh đạo Cty CP Hà Khẩu.
Chủ tịch Công ty dính tù oan?
Ngày 15/1/2013, CQĐT Công an TP.Hạ Long đã khởi tố đối với bà Nguyễn Thị Lý - Chủ tịch HĐQT Cty với tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Thị Lý không bị bắt giam nhưng 4 tháng sau, khi việc điều tra chuẩn bị kết thúc thì  bà Lý đã bị bắt giam và trước khi có kết luận điều tra 6 ngày, ngày 20/8/2013 CQĐT tiếp tục khởi tố đối với ông Vũ Đình Mạnh - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Cty CP Hà Khẩu về cùng một tội danh với bà Lý.
Theo kết luận điều tra của CQĐT và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.Hạ Long, hành vi phạm tội mà bà Lý và ông Mạnh bị quy kết là lập phương án đề nghị Nhà nước hỗ trợ bồi thường không đúng với thực tế sử dụng lao động của Cty, trong đó có 20/41 lao động không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp mất việc, chiếm đoạt tiền cho… Cty.
Việc truy tố đối với bà Nguyễn Thị Lý đã gây ra sự bức xúc đối với nhiều người lao động. Theo Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) thì vụ án này là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng của cơ quan tố tụng. Vì, việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động nếu có tranh chấp thì phải giải quyết theo quy định của pháp luật về tranh chấp lao động chứ không thể hình sự hóa bằng việc khởi tố, bắt giam đối với bà Nguyễn Thị Lý. 
Trong vụ án này, “hậu quả nghiêm trọng” cũng không xảy ra và các dấu hiệu khác của tội phạm cũng không đủ. Theo Luật sư Ninh, CQĐT và Viện kiểm sát đã quy kết bà Lý sử dụng sai số tiền hỗ trợ là không đúng, từ đó dẫn đến việc khởi tố và bắt giam oan đối với bà Lý.
Để làm rõ hơn căn cứ mà cơ quan tố tụng buộc tội đối với chủ doanh nghiệp trong vụ án này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh - Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Minh về vụ án này:

Thưa Luật sư, CQĐT, Viện kiểm sát cho rằng bà Lý đã phạm tội vì “lập phương án đề nghị hỗ trợ bồi thường không đúng với thực tế sử dụng lao động của Cty”, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Đã có ý kiến cho rằng đây là vụ án oan sai, tôi cũng đồng tình với ý kiến này và đây chính là điểm mấu chốt, có dấu hiệu oan sai. Vì, phương án đền bù hỗ trợ doanh nghiệp trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo Luật Đất đai, Bộ luật Lao động. Trong đó, doanh nghiệp là đối tượng được hỗ trợ, họ có nghĩa vụ lập phương án trình cơ quan nhà nước duyệt. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thẩm định và duyệt. Nếu sai thì người thẩm định và người duyệt phải chịu trách nhiệm, không thể quy kết trách nhiệm cho người đề xuất phương án. Do đó, nếu kết luận doanh nghiệp phạm tội vì lập phương án không đúng với thực tế sử dụng lao động là không phù hợp.

Vậy, việc chi trả không đúng như phương án được duyệt có phải là tội “Cố ý làm trái…” như cáo trạng truy tố không, thưa ông?

- Việc doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ tiền mất việc, ngừng việc cho 41 lao động bị mất việc, ngừng việc do bị thu hồi đất mà doanh nghiệp chi trả không đúng với phương án ban đầu lại là quan hệ lao động. Vì doanh nghiệp là tổ chức được hỗ trợ chứ không phải là cơ quan chi trả tiền hỗ trợ. Do đó, khi giải quyết “nội bộ” của họ không thống nhất thì phải được xem xét giải quyết theo quy định về giải quyết tranh chấp lao động chứ không phải là cơ sở để xử lý hình sự đối với chủ doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm